Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, kinh tế không mấy khá giả nhưng anh Tân giàu lòng nhiệt huyết, ý chí không ngại gian khó. Năm 2007, anh tiến hành cải tạo đất đào hầm nuôi cá chình. Ban đầu anh thả nuôi 3 hầm với diện tích 1.000 m2/hầm, mỗi hầm thả khoảng 200 cá giống. Tuy mới vào nghề nhưng do học tập kinh nghiệm từ những người đi trước, cộng thêm nghiên cứu kỹ thuật trên mạng, sách, báo, chỉ trong thời gian ngắn cá phát triển nhanh chóng. Thừa thắng xông lên, anh tiếp tục nhân rộng mô hình lên thêm 5 hầm. Và cho đến thời điểm hiện tại, anh Tân sở hữu 8 hầm cá, trong đó có 7 hầm cá chình và 1 hầm cá bống tượng.
Anh Tân cho biết, nuôi cá chình không khó nhưng khâu quan trọng nhất là phải biết chọn con giống. Không cần lớn, chỉ tầm khoảng 20 con/kg, vì cá giống càng lớn mức độ hao hụt càng cao. Tích luỹ kinh nghiệm trong nhiều năm qua, anh Tân nhận thấy để cá được khoẻ mạnh, tránh bệnh thì cần lưu ý vệ sinh hầm nuôi khi thấy nước chuyển màu hoặc thử độ pH giảm thì tiến hành chuyển cá sang hầm khác.
Cá chình dễ nuôi, ít bệnh, chi phí thấp, mức độ hao hụt nhỏ, tăng trưởng khá nhanh, sau một thời gian ngắn thả nuôi thì cá đạt trọng lượng từ 1,5-2 kg/con. Do cá chình đem lại lợi nhuận khá cao nên người dân xung quanh khu vực địa bàn phường Tân Thành phần lớn đều chuyển dịch cơ cấu từ trồng lúa sang nuôi cá chình, từ đó mà nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Anh Tân cho biết, cá chình là loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định, nhu cầu thị trường cung ứng gần như là quanh năm. Nuôi cá chình không chiếm nhiều diện tích mặt nước nên nhiều hộ có ít đất sản xuất vẫn có thể áp dụng mô hình nuôi cá chình. Do cá chình chủ yếu xuất khẩu nên hầu hết các thương lái thu mua cá loại từ 1,2-1,5 kg/con. Những năm gần đây, giá cá chình tăng khá cao so với những năm trước, giá dao động từ 420.000-450.000 đồng/kg, nên người nuôi có thể thu nhập trên 100 triệu đồng/năm./.