Nguyên nhân được người nuôi “quy tội” cho môi trường nguồn nước nuôi bị ô nhiễm, thêm vào đó, biến đổi khí hậu đã khiến nguồn nước nuôi bị ngọt hóa làm năng suất tôm giảm mạnh. Huyện Tuy Phước là địa phương phát triển sớm nghề nuôi tôm, và cũng là nơi có diện tích nuôi nhiều nhất tỉnh với hơn 1.000 ha. Riêng năm 2015, huyện đã đưa 994 ha diện tích mặt nước vào nuôi tôm. Những vụ tôm đã khiến người nuôi thất vọng, vì dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành.
Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết, trong số 274 ha diện tích tôm nuôi ở đây có 52 ha được nuôi ở vùng cao triều, thuộc khu vực trên đê. Số còn lại được nuôi ở các vùng hạ triều. Trong những diện tích nuôi ở vùng cao triều có 12 ha được bà con nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) theo phương pháp bán thâm canh.
"Nuôi TTCT đầu tư cao, từ 150-200 triệu đồng/ha/vụ nên khi dịch bệnh hoành hành thì người nuôi càng lỗ đậm. Lũ tôm thường bị bệnh thân đỏ đốm trắng và bệnh hội chứng chết sớm. Tôm vừa thả nuôi được 1 tháng thì trong hồ đã thấy tôm chết lai rai, kéo dài đến khi trống hồ, đến lúc ấy bà con phải thu hoạch non để gỡ gạc đồng vốn”, ông Thiện nói.
Cũng theo ông Thiện, lúc thu hoạch non tôm còn rất nhỏ, 200-300 con mới được 1 kg nên giá bán rất thấp, chỉ 50-70 ngàn đồng/kg. Nếu suôn sẻ, tôm lớn cỡ 70-80 con/kg thì giá bán sẽ đứng ở mức 100-120 ngàn đồng/kg.
Không chỉ vậy, do dịch bệnh gây hại nên năng suất TTCT cũng thấp tịt, chỉ khoảng 700 kg/ha, trong khi đó năng suất bình thường đạt đến 5-7 tấn/ha. Đầu tư nuôi TTCT rất cao nên người nuôi bị lỗ lớn. Gia đình tôi cũng có 1 ha nuôi TTCT, vụ đầu năm 2015 tôm bị bệnh hội chứng chết sớm gây hại nên bị lỗ mất 80 triệu”, ông Thiện giải bày.
Tình hình nuôi tôm ở xã Phước Hòa chẳng sáng sủa gì hơn. Do môi trường nguồn nước nuôi bị ô nhiễm nên hầu hết diện tích nuôi tôm đều không đạt hiệu quả. Nếu như năng suất TTCT trong vụ 1 năm nay đạt 1 tấn/ha, so với những năm trước đã giảm mạnh, thì bước sang vụ 2 chỉ còn 500 kg/ha. Đó là chưa kể nhiều hồ nuôi do tôm chết mới chỉ 1 tháng tuổi nên phải thu hoạch sớm, chịu lỗ đậm.
“Thua lỗ nhiều vụ liên tục nên cả những hồ nuôi bán thâm canh bà con cũng không đắp bờ, chỉ vây lưới mùng để nuôi. Làm theo cách này đỡ tốn tiền đầu tư hơn, nhưng lại không hạn chế được dịch bệnh nên người nuôi càng dễ chuốc lấy thất bại”, ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết. Theo ông Nhâm, nếu nuôi tôm bán thâm canh, có đắp bờ ao đàng hoàng thì có thể điều tiết được nguồn nước nuôi trong ao. Khi nhận thấy nguồn nước bên ngoài bị ô nhiễm, không đảm bảo cho sức khỏe lũ tôm thì đóng cổng, không cho nước bẩn vào ao nuôi.
Bây giờ, ao nuôi không có bờ, lưới mùng chỉ có nhiệm vụ ngăn lũ tôm “vượt biên” ra khỏi ao chứ không thể ngăn nguồn nước ô nhiễm vào ao, nên tôm nuôi càng dễ bị dịch bệnh. Trong khi đó, Phước Hòa nằm ở cuối nguồn, tất cả mọi con sông đều đổ về đây, nên xác súc vật chết ở thượng nguồn bị ném xuống sông đều tập trung về khiến nên nguồn nước bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Tiến Long qua 10 năm nuôi tôm vẫn chưa năm nào cầm được đồng lời.
Thậm chí có ao nuôi dính dịch bệnh, người nuôi “ém” thông tin, lén xả nước trong ao nuôi ra môi trường để thu hoạch tôm, nên dịch bệnh có điều kiện lây lan nhanh ra những ao nuôi xung quanh...
Theo ông Nguyễn Anh Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, trong 3 năm qua, dân nuôi tôm ở xã này được thì ít mà thua thì nhiều. Riêng năm 2014, 2/3 diện tích nuôi tôm bị dính bệnh, thất thu lớn.
Một trong những trường hợp bi đát nhất trong nghề nuôi tôm ở Phước Hòa là ông Nguyễn Tiến Long ở thôn Kim Đông. Trong suốt 10 năm theo đuổi con tôm, chưa năm nào ông Long cầm được đồng lãi. Mà đã sống ở vùng này không nuôi tôm thì không biết làm gì nên ông vẫn cố cầm cự theo nghề.
“Chúng tôi mong ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra vùng nuôi, hướng dẫn bà con cách khắc phục dịch bệnh và sớm đưa ra giải pháp không chế những loại bệnh thường xuyên xảy ra trên con tôm trong vùng nuôi để bà con còn có thể bám trụ được với nghề”, ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, kiến nghị.