Gắn bó với con tôm nhiều năm qua và phần nào có được thu nhập từ loại thủy sản này, nhưng do điều kiện tự nhiên, lợi nhuận mà người dân phá Tam Giang (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) có được thường không cao. Trong khi đó, chi phí nuôi lớn, quá trình chăm sóc phức tạp, đòi hỏi đầu tư nhân lực và kỹ thuật, tôm lại là giống dễ mắc bệnh, rủi ro cao.
Người dân tại xã Quảng Công (Quảng Điền) cho biết giai đoạn nuôi tôm cực thịnh là vào năm 1994-1997, các hộ thu lãi cao vì tôm được giá, thức ăn rẻ và nhu cầu thị trường đang lên mà ít nơi cung cấp, tuy nhiên đến khoảng năm 2000 trở đi thì mọi thứ thay đổi do nhiều người cùng nuôi khiến giá đầu tư tăng nhưng đẩy giá sản phẩm đi xuống. Thời điểm đó, không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần, một số còn phá sản. Đứng trước khó khăn, những năm gần đây, một số hộ mạnh dạn thay đổi vật nuôi, từ tôm sang cá với hy vọng làm giàu.
Ông Phạm Hóa, cựu Chủ tịch Hội nghề cá tại Quảng Công cho biết điều kiện tự nhiên, môi trường tại xã ông phù hợp với việc nuôi cá hơn so với tôm. Mô hình này mới chỉ áp dụng tại một số hộ ở xã Quảng Công, các nơi khác vẫn chưa tìm được thành công với cách làm này. "Xã bên đã có những hộ thử, nhưng lợi nhuận không cao, thậm chí có người còn phá sản", ông cho biết thêm.
Cách nuôi của các hộ dân nơi đây không quá phức tạp, chỉ cần có hồ để thả con giống, sau đó sẽ đưa cá ra phá Tam Giang, dùng lưới quây lại thành các khu vực nuôi riêng. "Cá nuôi trong môi trường tự nhiên là tốt nhất, vừa đảm bảo độ sạch, lại vừa tiết kiệm chi phí cho người nông dân", ông Hóa chia sẻ. Một hồ giống có thể thả kèm cua, tôm, tuy số lượng không lớn.
"Nhiều người chuyển sang nuôi cá vì giá trị con cá cao hơn, cho lợi nhuận tốt", một nông dân 68 tuổi chia sẻ. Gia đình ông đầu tư 500 triệu đồng cho hơn 1.500m2 hồ nuôi thu về 400 triệu đồng một năm. Số tiền nay có giảm xuống nhưng lợi nhuận ông thu được vẫn tốt hơn so với con tôm. "Bây giờ chi 500 triệu đồng thì sau khi trừ mọi chi phí, lãi ròng vẫn khoảng 250 triệu đồng". Theo ông, nuôi cá ít rủi ro hơn, có thể nuôi nhiều loại và thu hoạch quanh năm.
Các loại cá trong hồ nuôi gồm cá vược, mú, nâu, hồng, dĩa, chẽm... Trung bình mỗi kg cá có giá 100.000 đồng, riêng cá nâu lên tới 450.000 đồng. "Cá nâu giống 1.000 đồng mỗi con, nuôi lớn thì 3-5 con được một kg", ông nói.
Cũng bắt đầu từ việc nuôi tôm vào năm 1989, gia đình ông Phạm Thanh Việt (Quảng Công) nhìn thấy lợi ích của con cá và chuyển hẳn sang loại vật nuôi này được 10 năm nay. Gia đình ông có một ha, mỗi năm phải đầu tư 200-300 triệu đồng chỉ tính riêng tiền thức ăn cho cá, tuy nhiên lãi thu về cũng không nhỏ. "Chi 400 triệu đồng thì lợi nhuận cũng đạt 50%. Mỗi năm thu hoạch từ 3-4 tấn cá các loại. Có những năm lãi đạt 100%, bỏ một triệu đồng tiền vốn thì thu về một triệu đồng tiền lãi", ông Việt nói.
Doanh thu và lợi nhuận mỗi năm của các hộ nông dân tại đây tỷ lệ thuận với diện tích hồ nuôi mà gia đình sở hữu. Do đó, một số nhà có hơn 2 ha thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như nhà ông Phạm Dũng, ông Nguyễn Hường... Nhờ có khoản thu nhập lớn như vậy, các gia đình tại đây có thể lo đầy đủ cho con ăn học, có nhà mở rộng kinh doanh sang cả lĩnh vực khác như xăng dầu, lập công ty thương mại, mua được nhà tại TP HCM cho con.
Ông Phạm Hóa khẳng định tại xã có vài hộ thu nhập tỷ đồng mỗi năm. "Có người bây giờ trong tay 3, 4 tỷ đồng", ông cho biết. Thông tin trên cũng được cán bộ tín dụng Hoàng Tháy của Ngân hàng Agribank xác nhận. Ông Tháy là người làm việc trực tiếp với các hộ dân nuôi thủy sản của Quảng Công nhiều năm qua trong vấn đề vay vốn làm ăn.
Số vốn ban đầu do người dân đi vay trực tiếp từ ngân hàng để mua trước thức ăn và cá giống. "Có năm trả trước hạn, năm đúng hạn, tuy nhiên không phải ai cũng thành công, có nhà đã vỡ nợ ", ông Việt chia sẻ thêm.
Phá Tam Giang nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, có diện tích khoảng 52km2, trải dài 24km, thuộc địa phận 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế). Độ sâu của phá từ 2 đến 4m, có nơi sâu tới 7m. Hàng năm khai thác trên vùng đầm phá hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại.