Ông Phùng Văn Thức cho biết, thời gian qua gia đình ông đã từng hai lần thất bại vì cá rô đồng và cá rô đầu vuông do tình hình kinh tế suy giảm, sức tiêu thụ của người tiêu dùng giảm sút, nhất là thương lái dựa vào những nhược điểm của chúng để ép người nuôi. Theo ông Thức, nuôi các loại cá rô đồng, cá rô đầu vuông, cá lóc, thậm chí là cá sấu có một nhược điểm đó là những quy định khắt khe về trọng lượng cá. Cá rô đồng nếu 6 con/kg giá khác, 8 con giá khác, 10 con giá khác. Có nghĩa là cá đạt yêu cầu theo quy định thì mới đạt giá cao nhất còn lớn hơn hoặc nhỏ hơn thì giá thấp hơn. Do đó, cứ mỗi khi đến kỳ xuất bán mà thương lái chưa đến mua thì coi như người nuôi cá nắm chắc lỗ. Đứng trước những nguy cơ trên và từ hai lần điêu đứng vì cá rô đồng và cá rô đầu vuông, đầu năm 2013, qua tìm hiểu ông Thức quyết định chuyển hướng sang nuôi cá sặc rằn. Ông Thức tâm sự, do cũng đã có quá trình tìm hiểu về những đặc tính của cá sặc rằn từ khá lâu, nên ngay từ lứa cá đầu tiên ông đã nuôi đạt kết quả khá cao. Sau 8 tháng kể từ khi xuống giống bằng trứng cá, với 0,9 ha mặt nước chia thành 3 ao cá, ông thu về 36 tấn cá với giá bán từ 50.000 đến 55.000 đồng/kg/7 con, vụ cá vừa qua gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí các loại như giống, thức ăn, công chăm sóc… cho lợi nhuận hơn 360 triệu đồng. Vị chi mỗi tháng ông bỏ túi hơn 40 triệu đồng tiền lời.
Ông Thức chia sẻ, qua nuôi thử nghiệm, bản thân ông nhận thấy cá sặc rằn rất dễ nuôi, dễ hơn cả cá rô đồng, cá lóc, cá trê, chi phí thức ăn, công nuôi thấp, thị trường tiêu thụ dễ dàng. Theo ông Thức chi phí cho 1kg cá sặc rằn khoảng 40.000 đồng, bởi cứ 2kg cám sẽ cho 1kg cá thịt; thức ăn của cá đa dạng, phong phú như cám, rau muống, lục bình kể cả cỏ các loại. Trong khi cá rô, cá lóc, cá trê người nuôi rất dễ bị thất bại vì bị dịch bệnh, thêm vào đó thương lái quy định rất ngặt nghèo kích thức cá đi liền với trọng lượng và giá cả thì cá sặc rằn càng lớn, càng có giá cao. Theo ông Thức nếu cá sặc rằn trọng lượng từ 6 đến 7 con/kg giá từ 55.000 đến 60.000 đồng, thì từ 5 đến 6 con/kg giá lại cao hơn từ 60.000 đến 65.000 đồng/kg, thậm chí 4 con/kg giá càng cao hơn nữa, người nuôi không sợ bị lỡ lứa. Do đó đây cũng là một lợi thế cho người nuôi, bởi khi đó người nuôi có thể chủ động xuất bán, làm giá cả với thương lái nếu cảm thấy mình không có lợi nhuận chứ không như cá rô, cá lóc không thuận lợi thì người nuôi lỗ, hoặc bị thương lái ép giá. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm cá sặc rằn cũng rất dễ, vì đây là loại cá dùng để xuất khẩu, nên thường rất hút hàng. Hiện nay, sản phẩm cá của ông đều được các nhà máy chế biến liên hệ để tiêu thụ hàng.
Tuy nhiên theo ông Thức, cá sặc rằn mặc dù dễ nuôi, ít bệnh hơn cá rô đồng, nhưng cá sặc rằn rất kén môi trường nuôi, theo kinh nghiệm của ông cá sặc rằn ưa những vùng đất trũng thấp, nước vào ra thường xuyên, có khí hậu mát mẻ. Do vậy, việc nuôi cá sặc rằn không phải vùng đất nào cũng nuôi được mà cần có một quá trình thử nghiệm, nếu không việc thất bại khó tránh khỏi. Đồng thời, thời gian sinh trưởng của cá sặc rằn từ lúc ươm trứng, xuống giống cho đến khi xuất ao dài hơn cá rô, cá lóc... Nếu cá rô thời gian sinh trưởng 4 đến 5 tháng/lứa, thì cá sặc rằn phải từ 7 đến 8 tháng/lứa. Do đó, để rút ngắn thời gian nuôi, người nuôi nên tính toán việc xuống giống cho phù hợp với việc xuất bán cá thịt. Nên tính toán khoảng 3 đến 4 tháng trước khi xuất bán sẽ tiến hành xuống giống cá con. Lúc đó khi cá thịt được xuất bán thì cá con đã được 4 tháng tuổi và thời gian xuất bán lứa tiếp theo sẽ được rút ngắn xuống còn 4 tháng. Như vậy mỗi năm người nuôi cũng có thể thả được 3 vụ cá thịt. Còn nếu không thì trong 1 năm rưỡi mới có thể nuôi được hai lứa cá thịt.