Vai trò của rừng ngập mặn
Rừng ngập mặn là quần xã thực vật sống ở các khu vực nước mặn ven biển trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở những khu vực ngập mặn đó, các loại thực vật khác rất khó để sinh trưởng và phát triển nên chỉ có một số loại cây sống được ở khu vực này, những loại cây này thường có những đặc tính riêng biệt, đặc thù để thích nghi được với môi trường sống ở đó. Nhờ những đặc trưng riêng như tầng tán dày, hệ thống rễ chằng chịt... rừng ngập mặn được đánh giá là một “bức tường xanh” vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm,...
Rừng còn cung cấp nhiều dịch vụ hệ sinh thái, bao gồm môi trường sống cho các loài sinh vật biển và di cư, bảo vệ các cộng đồng sinh vật ven biển, ngăn chặn các chất ô nhiễm và có khả năng dự trữ carbon. Rừng ngập mặn có tốc độ cô lập carbon gấp 4 lần so với rừng trên cạn, khiến chúng trở nên quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải carbon. Các chuyên gia ước tính, rừng ngập mặn bảo vệ 18 triệu người và có trị giá 120 tỷ đô la mỗi năm nhờ đóng góp của chúng vào việc bảo vệ bờ biển, nghề cá, các hoạt động lâm nghiệp và giải trí, du lịch sinh thái.
Rừng còn cung cấp nhiều dịch vụ hệ sinh thái, bao gồm môi trường sống cho các loài sinh vật biển và di cư. Ảnh: Tép Bạc
Nghiên cứu hỗ trợ tái tạo rừng ngập mặn
Một nghiên cứu mới của Tổ chức Đối tác Thủy sản Bền vững (SFP) cho thấy nuôi tôm có thể là động lực để bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, đồng thời giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ các cộng đồng ven biển và động vật hoang dã. Theo SFP, nghiên cứu cung cấp lộ trình cho ngành nuôi tôm giúp khôi phục môi trường sống và trả về đầy đủ các dịch vụ hệ sinh thái mà rừng ngập mặn đã cung cấp cho con người.
Chủ tịch hội nghị về chuỗi cung ứng tôm nuôi của SFP cho biết, ngành tôm nuôi có thể đi đầu trong việc tái tạo môi trường sống cho các khu rừng ngập mặn quan trọng có nguy cơ tuyệt chủng. Hành động ngay lúc này sẽ cho phép các doanh nghiệp đáp ứng các cam kết bền vững của họ, hỗ trợ các quốc gia đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng sinh vật ven biển.
Nuôi tôm có thể là động lực để bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn.Ảnh: Tép Bạc
Ngành nuôi tôm hứa hẹn sẽ là một cơ hội lớn để mang trở lại môi trường sống từng bị đánh mất cho các khu rừng ngập mặn, việc nuôi tôm có thể đồng thời cải thiện uy tín về môi trường và giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách khôi phục các ao bị bỏ hoang và áp dụng các biện pháp nuôi tôm phù hợp, hoạt động hài hòa với rừng ngập mặn. Để thực sự đạt hiệu quả, những nỗ lực phục hồi rừng ngập mặn phải hoạt động ở quy mô trên toàn bộ khu vực.
Nghiên cứu cho thấy rằng những người tiêu thụ tôm và các công ty trong chuỗi cung ứng có thể thực hiện các cam kết về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) bằng cách thúc đẩy các hoạt động khôi phục trên toàn bộ cảnh quan và hệ sinh thái nhằm tối đa hóa tác động và liên kết các mảng rừng ngập mặn với nhau.
SFP đang phát triển một công cụ mới dựa trên bản đồ giúp xác định các ao nuôi đang hoạt động, những ao bị bỏ hoang có sự liền kề với môi trường sống của rừng ngập mặn ở các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Công cụ này cho phép các công ty thu mua tôm xác định các cơ hội trong chuỗi cung ứng của họ để hỗ trợ các dự án khôi phục, cải thiện chất lượng nuôi trồng thủy sản.