Trước đây nuôi tôm công nghiệp không xây dựng ao xử lý nước thải nhưng khi nuôi theo mô hình siêu thâm canh, ông Trương Tấn Trung, ấp Tân Long B, xã Tân Dân đã làm ao xử lý nước thải có độ sâu hơn 4 m. Chất thải được xử lý chlorine khoảng 2-3 giờ, khi nước không còn độc hại, ông bơm ra vuông quảng canh, thời gian sau mới đưa vào các ao lắng để cấp cho ao nuôi.
Nhờ giữ được môi trường nước tốt đã giúp vụ nuôi siêu thâm canh đầu tiên của ông đạt kết quả, năng suất 40 tấn/ha. Nối tiếp vụ đầu thành công, hiện ông Trương Tấn Trung đang thả nuôi vụ 2, tôm đang phát triển tốt.
Tuy nhiên, không phải ai nuôi tôm công nghiệp theo mô hình siêu thâm canh cũng thiết kế quy trình xử lý nước thải như hộ ông Trương Tấn Trung. Theo số liệu khảo sát, huyện Đầm Dơi hiện có 253 hộ nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích 207 ha; trong đó, chỉ 98 hộ có ao xử lý nước thải đủ điều kiện theo quy trình, tiêu chí hướng dẫn của Sở NN&PTNT, 135 hộ thiếu điều kiện và 48 hộ không đủ điều kiện xây dựng ao xử lý nước thải, chất thải. Chủ yếu là thiếu ao xử lý nước thải và thiếu diện tích tối thiểu để thực hiện quy trình nuôi siêu thâm canh là 10.000 m2.
Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ở Đầm Dơi đang mở rộng từng ngày. Cùng với việc thường xuyên kiểm tra, kiểm soát của chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sản xuất phát triển ổn định và bền vững.
“Hiện nay, huyện đang chỉ đạo hướng dẫn cán bộ và Nhân dân về quy trình, tiêu chí quy định các điều kiện nuôi tôm siêu thâm canh của Sở NN&PTNT tỉnh. Các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra việc xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Đối với những hộ không đủ điều kiện, hoặc thiếu điều kiện về ao xử lý chất thải, khi nào khắc phục xong mới cho nuôi”, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần nói./.