Ô nhiễm môi trường
Năm 2012, mặc dù chỉ chiếm 14,1% tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ (310/2.200ha) nhưng sản lượng tôm thẻ chân trắng nuôi trên cát thu hoạch được lại chiếm đến hơn 50% tổng sản lượng (13.400 tấn/7.000 tấn). Với năng suất dao động ở mức 7 - 25 tấn/ha/vụ, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đem lại hiệu quả vượt trội so với các ngành sản xuất nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh. Để ngăn chặn tình trạng phát triển tự phát, năm 2009 UBND tỉnh đã quy hoạch ngắn hạn vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở huyện Thăng Bình.
Tuy nhiên, tại các địa phương ven biển, nhất là huyện Núi Thành và Duy Xuyên, việc nuôi tôm tràn lan thời gian qua đã phát sinh nhiều hệ lụy. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết, do chưa được quy hoạch hoặc do quản lý sản xuất sau quy hoạch chưa chặt chẽ nên hầu hết vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát không thiết kế hệ thống xử lý nước thải. “Nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đào ao nuôi sát nhà và thải nước trực tiếp ra bên ngoài mà chưa qua xử lý khiến hiện tượng “mặn hóa” nước sinh hoạt ngày một nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, nguồn nước thải từ quá trình nuôi tôm cũng khiến nguồn nước tại các vùng triều ven sông ô nhiễm nặng. Ô nhiễm môi trường là hệ lụy rất lớn của nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát hiện nay” - ông Tấn nói.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại Quảng Nam đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải xem xét kỹ để có những hoạch định cần thiết. Mặc dù chưa được quy hoạch nhưng tại các địa phương ven biển, người dân vẫn tự tiện thuê máy, đào ao để nuôi tôm trên cát bất chấp sự can thiệp của chính quyền cơ sở. Trong khi đó, các cấp chính quyền chưa có biện pháp mạnh để ngăn chặn việc phá rừng hay san ủi vườn để nuôi tôm. “Trong quá trình kiểm tra nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát trái phép, các địa phương ven biển chỉ dừng lại ở mức độ lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép. Mặt khác, nông dân đối phó với chính quyền cơ sở bằng cách lao động vào ban đêm và các ngày cuối tuần càng khiến tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát càng ồ ạt và tràn lan hơn” - bà Tâm cho biết.
Quy hoạch, sắp xếp vùng nuôi
Ông Ngô Tấn cho rằng, với những tiềm năng to lớn, Quảng Nam cần có các định hướng cần thiết để phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, đem lại thu nhập ổn định cho người dân nhưng đảm bảo môi trường. Ông Tấn nói: “Vấn đề ở đây là quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý môi trường tại các vùng nuôi. Muốn vậy, ngoài việc sắp xếp lại vùng nuôi, chúng ta rất cần sự vào cuộc và đồng thuận giữa các cấp chính quyền và người dân. Cần kiên quyết cấm sản xuất đối với các hộ nuôi không đầu tư hệ thống xử lý nước thải và những hộ thải nước trực tiếp ra môi trường mà chưa qua xử lý. Ngoài ra, không nên đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bằng cách phá rừng phòng hộ ven biển”.
Ông Nguyễn Minh Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, do thu nhập cao nên nông dân sẽ tiếp tục đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bất chấp những hệ luỵ. Vì vậy, để quản lý hiệu quả, UBND tỉnh cần quy hoạch chi tiết lại vùng nuôi, ban hành các tiêu chí nuôi an toàn, ràng buộc các cam kết về môi trường đối với các hộ nuôi, thành lập các đội kiểm tra liên ngành và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm...
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho biết, với chức năng và quyền hạn của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, việc kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các trường hợp nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường là rất khó. “Ngoài việc quy hoạch với tầm nhìn lâu dài, UBND tỉnh cần có biện pháp giảm thiểu tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tự phát. Bên cạnh đó, cần thí điểm xây dựng vùng nuôi theo các tiêu chí an toàn vệ sinh dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm…” - bà Tâm đề xuất.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, trước mắt, đối với các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tạm thời, các địa phương nên quản lý chặt chẽ hơn về điều kiện nuôi để tránh gây thêm ô nhiễm; người nuôi cần có những cam kết không gây ô nhiễm môi trường và ngừng sản xuất theo quy định.
“Về lâu dài, trên cơ sở quy định về môi trường đã được ban hành, Sở Tài nguyên - môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy chế về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng không tác động xấu đối với môi trường. Sở NN&PTNT phải khảo sát đúng hiện trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại Quảng Nam để quy hoạch, sắp xếp lại vùng nuôi và lập kế hoạch nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm với các cơ chế hỗ trợ cần thiết cho người nuôi. Ngoài ra, tại các diện tích hoang hóa của xã Bình Sa (Thăng Bình), Chi cục Nuôi trồng thủy sản nên thí điểm xây dựng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn để có thể nhân rộng khi đạt hiệu quả” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.