Ông Mai khởi nghiệp nghề nuôi cá sấu từ năm 1997, với 100 con cá sấu nước ngọt (cá sấu Xiêm). Chỉ 2-3 năm sau, cá sấu thương phẩm của ông đã có mặt tại thị trường Trung Quốc, rồi năm 2010 mở rộng thị trường sang Hàn Quốc, Nhật, Ý…
Ông Mai cho biết: “Cá sấu xuất sang Trung Quốc là xuất nguyên con, trọng lượng 15 – 25kg/con. Các nơi khác lại chỉ lấy da, 80% giá trị của cá sấu nằm ở bộ da. Da cá sấu loại I hiện dao động từ 650.000 – 700.000 đồng/con (cá sấu trên 2 năm tuổi); loại 2 là 550.000 đồng/con (cá sấu 1,5 - 2 năm tuổi; loại 3 cũng 450.000 đồng/con (trên 1 năm tuổi)”.
Nghề nuôi cá sấu của ông Mai được khẳng định bằng giấy phép Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp). Trang trại của ông có hơn 28.000 con cá sấu đủ kích cỡ, mỗi năm cung cấp khoảng 60.000 con cá sấu giống mang thương hiệu Phương Tín ra khắp “lục tỉnh” miền Tây.
Mấy năm đầu, thị trường Trung Quốc là đích đến chủ lực nhưng ông Mai nhanh chóng nhận ra: Thị trường, đối tác nơi đây kém bền vững; giá cả bấp bênh. “Cũng bầm giập, trằn trọc nhức đầu lắm. Suốt từ năm 2002 - 2006, đầu ra của cá sấu hầu như chỉ dồn vào cửa Trung Quốc nên họ ép giá suốt mấy năm trời. Lúc đó chỉ mong huề vốn, công mình bỏ đi” - ông Mai nhớ lại.
Ông đã tập trung mở rộng, xuất trực tiếp cá sấu cho các thị trường ngoài Trung Quốc. Để chủ động hơn, bên cạnh việc xây nhà ấp trứng, ông Mai còn liên kết với công ty thức ăn chăn nuôi nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá sấu. Chúng tôi hỏi, tài sản ông ước tính bao nhiêu từ nuôi cá sấu, ông Mai cười cười trả lời: “Chỉ biết riêng thức ăn cho cá mỗi ngày đã hết 37 triệu đồng. 60.000 con giống bán mỗi năm với thời giá hiện nay 500.000 đồng/kg thì giá trị đã lên tới con số 30 tỷ đồng”.