Trên thực tế, việc đầu tư nuôi cá biển này đã được một số đơn vị triển khai trong vài năm trở lại đây và thu về kết quả khả quan khi sản phẩm làm ra có thể xuất khẩu thẳng sang Mỹ và thu lợi nhuận lớn.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 6/10, Đại diện Tổng cục Thủy sản cho hay, Bộ NN&PTNT đang triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
Bộ chú trọng đến việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản, tiềm năng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và gắn với nhu cầu thị trường, đồng thời đảm bảo các mục tiêu phúc lợi cho ngư dân và người tiêu dùng.
Bộ hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao khoa học – công nghệ, phát triển thị trường, công trình hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản như cảng cá, bến cá, hệ thống thủy lợi vùng nuôi thủy sản tập trung, cung cấp thông tin dịch vụ hỗ trợ kiểm soát và chứng nhận chất lượng sản phẩm thủy sản.
Ngoài ra, Bộ cũng quan tâm và xác định về lâu dài cần nghiên cứu mở rộng thị trường, phát triển nuôi những loài cá biển có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá ngừ đại dương, cá Song/mú để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu là một hướng đi đúng đắn và sẽ kéo theo việc phát triển nghề nuôi cá biển tại Việt Nam.
Bộ NN & PTNT định hướng phát triển mạnh những loài có giá trị kinh tế cao để phát triển nuôi ở biển xa, ven hải đảo; thúc đẩy hợp tác công tư giữa nhà nước và tư nhân với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước thực hiện chuyển giao công nghệ nuôi tiên tiến và bao tiêu sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững./.