Người nuôi có lãi
Huyện Thăng Bình có diện tích nuôi thủy sản khá lớn, lên đến 570ha. Thời gian qua, do dịch bệnh hoành hành nên đối tượng chủ lực là tôm thẻ chân trắng thường xuyên xảy ra hiện tượng chết hàng loạt gây thua lỗ cho nông dân. Để tận dụng diện tích ao nuôi tôm, Trạm Khuyến nông huyện Thăng Bình đã thí điểm triển khai hướng đi mới là nuôi ghép tôm sú với cá đối mục ở 2 xã Bình Giang và Bình Dương với mức hỗ trợ 100% con giống và 30% vật tư.
Tại xã Bình Dương, mô hình được triển khai ở 3 hộ dân là ông Nguyễn Trung Đinh, Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Văn Hải (ở cùng thôn Cây Mộc) với tổng diện tích ao nuôi là 6.000m2. Mật độ thả nuôi cá đối giống là 1 con/m2, còn tôm sú là 12 con/m2. Sau 6 tháng triển khai, mới đây ngành chức năng đã tiến hành hội thảo, đánh giá các mặt được và chưa được, đề xuất nhân rộng mô hình. Các hộ nuôi cho biết, cá đối mục có tỷ lệ sống 62% còn tôm sú bị hao hụt đến 80%.
Tổng doanh thu ước tính 178 triệu đồng, trong đó với 300kg tôm sú thu hoạch, các hộ nuôi thu được 60 triệu đồng; còn cá đối mục đạt 118 triệu đồng với 1.240kg cá thu được. Sau khi trừ chi phí, các hộ nuôi thu lãi hơn 55 triệu đồng.
Tại xã Bình Giang, mô hình được triển khai ở các hộ Nguyễn Đình Thuật, Nguyễn Văn Rồi và Nguyễn Văn Sơn (cùng thôn Bình Hòa). Tổng diện tích, thời gian nuôi, cách chăm sóc, sử dụng thức ăn tương tự như mô hình ở xã Bình Dương. Kết quả, tôm sú có tỷ lệ sống 20%, trọng lượng đạt 50 - 60 con/kg, sản lượng đạt 250kg; cá đối mục có tỷ lệ sống 60%, trọng lượng đạt 250 - 300g/con, sản lượng đạt 1 tấn cá. Tổng doanh thu của mô hình là 145 triệu đồng, lãi hơn 33 triệu đồng.
Trong tháng 3.2017, mô hình nuôi ghép cá đối mục với tôm sú cũng được Trạm Khuyến nông - khuyến lâm Núi Thành triển khai cho 3 hộ Trần Văn Vui, Nguyễn Xuân Ba và Nguyễn Viết Linh trên tổng diện tích ao nuôi 7.000m2 tại thôn Bản Long và Tân Bình Trung (xã Tam Tiến) với mức hỗ trợ 100% con giống và 30% vật tư. Đến cuối tháng 9, tỷ lệ sống của tôm sú đạt 20 - 25%; trọng lượng đạt 30 - 50 con/kg; sản lượng ước đạt 350kg. Cá đối mục có tỷ lệ sống trung bình là 63%; trọng lượng đạt 300 - 350g/con, sản lượng đạt 1.470kg. Doanh thu của mô hình đạt hơn 202 triệu đồng, lãi hơn 65 triệu đồng.
Cần hoàn thiện
Ông Lê Văn Để - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thăng Bình cho rằng, trong điều kiện các ao nuôi thủy sản ở vùng triều ven sông bị bỏ hoang gần hết thì thành công bước đầu của mô hình nuôi ghép tôm sú với cá đối mục là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong triển khai mô hình đã gặp phải nhiều khó khăn. Hiện nay, nguồn giống tôm sú có chất lượng cao không nhiều. Thời tiết luôn diễn biến bất lợi, môi trường nước ao nuôi luôn biến động, tôm nuôi khó phát triển, năng suất đạt thấp. Tỷ lệ sống của tôm sú không cao. Do lần đầu tiên áp dụng mô hình, nông hộ thiếu kinh nghiệm chăm sóc các đối tượng thủy sản nuôi. Việc sử dụng, kiểm soát thức ăn đối với tôm, cá và quản lý môi trường ao nuôi chưa tốt.
“Nuôi ghép tôm sú với cá đối mục là hướng đi mới trong nuôi thủy sản vì phù hợp với điều kiện nuôi tại các vùng triều ven sông. Những khó khăn có thể được giải quyết trong thời gian tới nên chúng tôi đề xuất với huyện xem xét, bố trí kinh phí để tiếp tục thực hiện, nhân rộng các mô hình. Đối với các địa phương, cần quan tâm tuyên truyền, vận động người dân và có kế hoạch cụ thể để nhân rộng mô hình này. Khi triển khai, bà con cần mạnh dạn đầu tư nuôi luân canh, xen ghép các đối tượng mới như cá đối, cá dìa, cá măng, cua xanh... với tôm để tạo sản phẩm nuôi đa dạng, có chất lượng, qua đó thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm” - ông Để nói.
Theo ông Đặng Văn Quang, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành, tôm sú có thể bán đến hơn 200 nghìn đồng/kg, giá trị kinh tế rất cao. Hiệu quả kinh tế khi nuôi cá đối mục cũng cao hơn so với các loại cá chẻm, cá dìa, cá rô phi, cá măng… Việc tiêu thụ tôm, cá thương phẩm hoàn toàn chủ động vì thị trường rất cần các loại thủy sản này. Vì vậy, ngành khuyến ngư của huyện Núi Thành đề xuất Trung tâm Khuyến nông tỉnh, UBND huyện Núi Thành quan tâm hỗ trợ kinh phí để tiếp tục triển khai và nhân rộng ở các địa phương trên địa bàn.
“Hướng đi mới của nuôi thủy sản ở vùng triều là có thể nuôi ghép tôm sú với cá đối mục hoặc nuôi xen ghép tôm với một số loài cá khác để tiếp tục có cơ sở hoàn chỉnh và đưa ra quy trình nuôi ghép thủy sản phù hợp, thay thế nuôi tôm thẻ chân trắng không đem lại hiệu quả. Trong quá trình nuôi, nông hộ nên chú ý thả nuôi cá sớm hơn và kéo dài thời gian nuôi để cá đạt trọng lượng từ 0,4 kg/con trở lên, khi đó xuất bán sẽ tăng giá trị kinh tế thu được” - ông Quang nói.
Theo ông Hứa Viết Thịnh, cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, nhìn chung, mô hình nuôi ghép tôm sú với cá đối mục là mới mẻ theo hướng an toàn dịch bệnh và môi trường; góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản; tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn. Việc tiêu thụ thủy sản thương phẩm thuận lợi, cá, tôm nuôi được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, mô hình cần được tiếp tục phát triển, nhân rộng trong thời gian tới.