Chuyển sang nuôi ốc hương
Từ năm 2001, phong trào nuôi tôm bắt đầu phát triển trên địa bàn tỉnh. Từ thành công của những người nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, nhiều người đổ xô vào đầu tư nuôi tôm, nhất là giai đoạn từ năm 2004 - 2008. Ông Huỳnh Đăng Nhiệm, ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ) cho biết, với mô hình nuôi tôm công nghiệp, người dân thả với mật độ dày từ 30 - 40 con/m2, năng suất đạt hơn 2 tấn/ha. Có thời điểm mật độ nuôi lên 50 con/m2. Lúc đầu, nguồn nước chưa bị ô nhiễm, nên người nuôi tôm có thu nhập cao.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, tôm được thả nuôi với mật độ dày, nhưng không được xử lý kỹ thuật khiến ao nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh và lây lan nhanh. Từ năm 2020 đến nay, tôm chết hàng loạt vì dịch bệnh, khiến người nuôi tôm bị thiệt hại nặng. Do vậy, ông Nhiệm và hàng trăm hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát trong tỉnh chuyển đổi đối tượng nuôi.
Hiện nay, tại vùng nuôi tôm thuộc các huyện Mộ Đức, Bình Sơn và TX.Đức Phổ, nhiều hộ dân chuyển sang nuôi ốc hương, hoặc xen canh ốc hương với các đối tượng khác. Mô hình nuôi ốc hương được triển khai từ cuối năm 2020 tại huyện Mộ Đức, sau đó phát triển ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Ốc hương được ưa chuộng cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, nên giá bán ổn định, hiện ở mức từ 300 - 320 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, nuôi ốc hương yêu cầu kỹ thuật cao, đầu tư lớn, thời gian nuôi kéo dài từ 7 - 12 tháng, nên “kén” người nuôi. “Nuôi ốc hương độc canh, hay xen ghép thì điều kiện tiên quyết là phải nắm vững kỹ thuật, chứ không thể làm kiểu cầu may, được chăng hay chớ”, bà Nguyễn Thị Tiên, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) chia sẻ. Sau thời gian lao đao với tôm thẻ chân trắng, từ năm 2020, bà Tiên dần cải tạo 8 hồ tôm có diện tích gần 1ha sang nuôi thử nghiệm ốc hương, nuôi xen giữa tôm - ốc hương, nuôi ốc hương- cá - tôm. Bà Tiên đã có nguồn thu nhập khá từ mô hình này.
Ứng dụng công nghệ mới
Tiếp tục lựa chọn con tôm, nhưng thay vì nuôi kiểu “được chăng hay chớ”, một số hộ nuôi tôm ở xã Đức Minh (Mộ Đức) ứng dụng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm siêu thâm canh, còn gọi là công nghệ tuần hoàn nước (RAS). Đây là mô hình do Công ty TNHH Khoa học nuôi trồng thủy sản và môi trường SAEN tiến hành thử nghiệm tại vùng nuôi tôm huyện Mộ Đức. Nuôi tôm truyền thống như lâu nay là kiểu nuôi “hở” - thay nước liên tục trong một vụ nuôi, nên lượng nước tiêu tốn khá lớn. Còn công nghệ RAS chỉ lấy nước một lần thông qua hệ thống xử lý, nên nước được tái tuần hoàn, cộng với việc tính toán được lượng chất thải trong hệ thống, giúp tiết kiệm nguồn nước và chi phí bơm tiêu, hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh. Nhờ đó khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng tỷ lệ sống của tôm nuôi đạt 85% và nuôi được 4 vụ/năm, góp phần ổn định năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Tiến sĩ Nguyễn Nhứt, chuyên gia kỹ thuật của Công ty TNHH Khoa học nuôi trồng thủy sản và môi trường SAEN cho biết, RAS là một trong những công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong nuôi tôm hiện nay, giúp ngành tôm nuôi phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Tuy nhiên, nhược điểm của công nghệ RAS là chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, vì phải thiết kế hệ thống xử lý nước, đào tạo nhân viên vận hành. Bên cạnh đó, hệ thống nuôi tôm ứng dụng công nghệ RAS phải duy trì quanh năm, nếu không vi sinh sẽ chuyển hóa từ hữu ích sang có hại. Để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững, trước hết, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ven biển cần giải quyết bài toán quy hoạch và hạ tầng vùng nuôi. Thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.