Cải tiến quy trình nuôi
Kiên Giang có vùng biển rộng 63.290 km2, với bờ biển dài hơn 200 km, là điều kiện tốt để phát triển ngành thủy sản đa dạng, nhất là nuôi tôm nước lợ. Kế hoạch năm 2016 Kiên Giang phát triển nuôi tôm diện tích 102.735 ha, sản lượng 57.000 tấn. Trong đó, nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp diện tích 2.700 ha, nuôi tôm lúa diện tích 78.410 ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến.
Nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Kiên Giang chủ yếu tập trung tại các huyện thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên như: Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất và TX Hà Tiên. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nuôi tôm tại đây với diện tích lên đến hàng trăm hecta. Các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng ngày càng mở rộng diện tích thả nuôi.
Anh Nguyễn Văn Công, đang đầu tư thả nuôi 4 ha tôm công nghiệp tại huyện Kiên Lương cho biết, nắng hạn kéo dài khiến nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch rất lớn, tôm nuôi dễ bị sốc môi trường. “Để khắc phục tình trạng này, tôi cũng như nhiều hộ nuôi tại đây đã đầu tư thêm hệ thống lưới che (lưới trồng lan) nhằm hạn chế ánh nắng chiếu thẳng xuống ao nuôi, làm giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Phương pháp này khá hiệu quả, tôm nuôi ít bị thiệt hại hơn”, anh Công chia sẻ.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, quy trình nuôi tôm có mái che bằng lưới lan đang được nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh áp dụng. Ngoài tác dụng che nắng, mái che còn giúp giảm tình trạng bốc hơi nước, làm cho độ mặn trong ao nuôi không bị tăng lên quá cao. Tôm nuôi nước lợ thích hợp phát triển với độ mặn trong ao nuôi từ 15-25%o, còn khi độ mặn trên 30%o tôm nuôi sẽ chậm lớn, dễ bị dịch bệnh. Vì vậy, khi độ mặn cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi nên thận trọng, không tiếp tục thả giống.
Tại vùng nuôi tôm - lúa, quảng canh cải tiến thuộc các huyện vùng U Minh Thượng, nông dân cũng có nhiều sáng kiến, cải tiến quy trình nuôi. Những năm qua, nông dân huyện Vĩnh Thuận đã thực hiện mô hình nuôi ghép tôm sú với tôm càng xanh, tôm sú với thẻ chân trắng. Mô hình này đang được nhân rộng ở các huyện lân cận.
Lão nông Huỳnh Văn Lĩnh, ở xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận phấn khởi: “Gia đình vừa thu hoạch xong 2 ha tôm càng xanh, trúng mùa, trúng giá nên lãi được gần 100 triệu đồng”. Theo ông Lĩnh, nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng chỉ khoảng 3 tháng là thu hoạch, còn tôm càng xanh trên dưới 5 tháng nên nông dân lấy ngắn nuôi dài. Khi thu hoạch dứt điểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì tập trung chăm sóc tôm càng xanh. Hết vụ thu hoạch tôm chuyển sang sản xuất vụ lúa để cải tạo môi trường đồng ruộng và tiếp tục thả giống tôm nuôi.
Để đảm bảo ăn chắc, tôm càng xanh được “vèo nuôi” trong môi trường nước lợ vài ba ngày cho chúng quen dần với nồng độ mặn trước khi thả ra ruộng nuôi, giúp tôm thích hợp với môi trường nước lợ nên không bị sốc, giảm tỷ lệ hao hụt.
Tại các xã ven biển thuộc huyện An Biên và An Minh, hiện có trên 10.000 ha sản xuất theo mô hình tôm - lúa, nhưng do đất bị nhiễm mặn, cây lúa không thể phát triển được. Để thay cho vụ lúa nhằm mục đích cải tạo môi trường sau mỗi vụ nuôi tôm, người dân đã có sáng kiến trồng một số loại cỏ nước mặn như lông công, đuôi phụng, năn tượng…
Hộ anh Nguyễn Tri Phương, ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh, đã trồng cỏ nuôi tôm mấy năm nay cho biết, mô hình tôm - lúa mà mặn quá không thể trồng lúa được, nuôi tôm cũng gặp khó khăn, do môi trường không được làm sạch. Vì vậy, tôi phải tìm cỏ đuôi phụng về trồng để thay thế. Loài cỏ này chịu mặn rất tốt và cũng có chức năng cải tạo môi trường giống như lúa nhờ vậy mà vụ tôm tiếp theo thả nuôi khá thuận lợi. Kết quả cho thấy, khi môi trường được cải thiện, tôm nuôi ít xảy ra dịch bệnh và mau lớn hơn.
Ông Quảng Trọng Thao cho biết, tại huyện An Minh hiện có khoảng 7.000 ha không thể trồng lúa, An Biên khoảng 4.000 ha vì đất đã bị nhiễm mặn. Vào những tháng mùa mưa, nông dân có thể trồng bồn bồn hoặc một số loại cỏ nước mặn để thay thế vụ lúa nhằm cải tạo lại môi trường.
Quy hoạch lại vùng nuôi
Xâm nhập mặn đang đặt ra những thách thức mới đối với sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương, nhất là vùng ven biển. Việc quy hoạch lại vùng nuôi, chọn đối tượng nuôi sao cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững đang được các địa phương tính đến.
Ông Ngô Trấn Hỷ, Trưởng phòng NN-PTNT An Biên cho biết, toàn huyện có trên 15.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó mô hình tôm - lúa là 13.700 ha. Tuy nhiên, do tình hình xâm nhập mặn nên nhiều diện tích gần biển không thể cấy lấp lại vụ lúa được nữa. Dự kiến, huyện sẽ chuyển khoảng 3.835 ha thuộc các xã Nam Yên, Tây Yên, Nam Thái và Nam Thái A từ mô hình lúa - tôm sang chuyên nuôi trồng thủy sản, để thích ứng với tình hình hiện nay.
Trồng cỏ thay thế vụ lúa nhằm cải tạo môi trường nuôi tôm ở những vùng bị nhiễm mặn
“Chúng tôi đang khảo sát để quy hoạch phân vùng nuôi cụ thể gồm: vùng tôm - lúa ăn chắc, đất chưa bị nhiễm mặn nặng, vùng chuyên nuôi trồng thủy sản và vùng linh hoạt. Song song với đó là chọn đối tượng nuôi và xây dựng khung thời vụ nuôi phù hợp, có thể xuống giống sớm hơn để tránh tình trạng độ mặn quá cao không thể thả nuôi”, ông Hỷ cho biết thêm.
Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang quy hoạch chuyển đổi khoảng 20.000 ha ven biển thuộc huyện Hòn Đất từ độc canh cây lúa sang luân canh tôm - lúa, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong bối cảnh sản xuất lúa bấp bênh do nước mặn xâm nhập. Thực tế mấy năm gần đây đã có hàng ngàn ha lúa tại khu vực này bị chết do nhiễm mặn.
Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho biết, chuyển đổi để giảm bớt rủi ro. Hơn nữa, chuyển sang mô hình tôm - lúa sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh cấy lúa. Thực tế khi chưa có mô hình này, nhiều diện tích ven biển chỉ có thể trồng lúa 1 vụ/năm với năng suất thấp 2-3 tấn/ha, đời sống rất khó khăn. Nhưng sau gần 15 năm chuyển đổi, năng suất tôm đạt khoảng 280 kg/ha và lúa đạt 4-5 tấn/ha.
Không chỉ vậy, mà còn xuất hiện thêm những cách làm sáng tạo như nuôi ghép tôm sú, cua biển, lúa; tôm sú, tôm càng xanh, lúa… mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với chuyên trồng lúa.