Theo ông Lê Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh lý do người nuôi cá bè phá sản một phần do giá cả, không tìm được đầu ra nhưng nguyên nhân chính vẫn là nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nuôi đến đâu, chết đến đó
Chúng tôi tìm đến bè cá của ông Dương Văn Tẩu (60 tuổi, ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh, H.Châu Thành), một trong số ít người còn trụ lại với nghề nuôi cá bè trên sông.
“Bây giờ cầm cự được ngày nào hay ngày đó, chứ bỏ đi kinh nghiệm nuôi cá tích lũy hơn chục năm thì uổng quá”, ông Tẩu chán nản.
Dẫn ra khu vực bè cá, ông Tẩu nói: “Trước đây, đoạn sông dài hơn 10 km này là bè cá của nhiều hộ dân, bây giờ chỉ còn 3-4 người trụ lại”.
Hiện ông Tẩu chỉ còn nuôi khoảng 3.000 con cá giống vồ đém, lăng nha, diêu hồng, cá tra. Chưa bằng 1/6 lượng cá giống mà ông từng thả nuôi cách đây vài năm. Ông Tẩu từng được biết đến như là “vua cá lăng nha” tại Tây Ninh.
Thời điểm 2013 trở về trước, ông thả hơn 15.000 con cá lăng nha, 20.000 cá diêu hồng, chi phí tiền ăn mỗi ngày khoảng 9 triệu đồng. Thế nhưng, các đây vài năm khi cá đang chờ xuất bán thì nước sông ô nhiễm, cá chết trắng bè khiến ông mất trắng hơn 1 tỉ đồng nên không muốn đầu tư nhiều vào cho nghề nuôi cá.
Còn tại khu vực bến Trung Dân (ấp Phước Trung, xã Phước Vinh), anh Nguyễn Văn Lộc (40 tuổi) rầu rĩ: “Gia đình tôi từng một thời khá giả từ nghề nuôi cá thì nay cũng lao đao vì cái nghề này. Năm nào cá cũng chết trắng bè sao mà sống được”.
Hiện anh Lộc chỉ còn nuôi khoảng 300 con cá vồ đém để cầm cự bởi loài cá này sức chịu đựng lâu hơn mấy loài cá khác. Trước đó, anh Lộc đầu tư nuôi khoảng 1.000 - 2.000 con cá lăng nha, thác lác cườm nhưng nay thì “trắng tay” vì sông ô nhiễm.
Ông Nguyễn Trọng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, cho biết toàn xã hiện chỉ còn lèo tèo 3 - 4 hộ nuôi, hợp tác xã nuôi cá nước ngọt của xã hiện không còn lại thành viên nào dù trước đây lên đến 20 - 30 thành viên.
Xả thải lén ra sông, rạch
Ông Nguyễn Thanh Lam, Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành, cho hay ông từng nhiều lần kiến nghị lên cấp trên siết chặt việc quản lý môi trường, đặc biệt là tình trạng xả thải gây ô nhiễm nước sông để tránh gây thiệt hại cho người nuôi cá nhưng thỉnh thoảng tình trạng xả thải chưa qua xử lý vẫn xảy ra.
Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh cũng thừa nhận có tình trạng xả lén nước thải ra sông Vàm Cỏ Đông dù đã quy định buộc các cơ sở, nhà máy trên lưu vực sông này tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt cột A theo quy chuẩn.
Về giải pháp, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở TN-MT cho biết sẽ tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ các nguồn nước thải vào lưu vực sông. Phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Đồng thời, tiếp tục quan trắc nước sông Vàm Cỏ Đông tại một số vị trí quan trọng để theo dõi diễn biến chất lượng nước mà có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn gia tăng ô nhiễm. Về lâu dài, cơ quan này sẽ tiến hành lập các trạm quan trắc tự động để quản lý tốt nhất nguồn nước.
Theo Sở TN-MT Tây Ninh, từ năm 2013 đến nay Sở đã phát hiện hơn 116 cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đã xử phạt hành chính hơn 12,5 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều cơ sở xả nước thải chưa xử lý ra sông, suối. Mới đây, vào rạng sáng 26.8, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Tây Ninh đã tiến lập kiểm tra Công ty TNHH sản xuất thương mại – dịch vụ - vận tải – xuất nhập khẩu Hữu Đức (trụ sở tại ấp Tân Kiên, xã Tân Hà, H.Tân Châu). Qua đó, phát hiện công ty này dùng 2 máy bơm công suất 30 mã lực bơm nước thải tại ao chứa nước thải số 1 qua 2 đường ống nhựa (đường kính 300 mm) ra mương thoát nước phía sau công ty chảy ra suối Nước Đục (khu vực cầu Vạc Sa). Công ty cũng thừa nhận đã thực hiện hành vi vi phạm này từ tháng 5.2015 đến nay. Mỗi ngày bơm lén từ 20 giờ ngày hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau.