Dư luận đang rất quan tâm việc của Công ty TNHH Chu Va (Lai Châu) nuôi cá tầm của Trung Quốc. Thực tế công ty này có vi phạm quy định của pháp luật hay không và phải xử lý như thế nào?
- Tổng cục Thuỷ sản đã cử đoàn công tác lên các tỉnh miền núi phía Bắc để làm việc với các cơ quan quản lý thuỷ sản, hải quan tại các địa phương và nắm tình hình tại một số cơ sở nuôi cá tầm tại tỉnh Lào Cai, Lai Châu. Hiện chúng tôi cũng đang chờ ý kiến báo cáo của đoàn công tác để tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục hướng giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 57/2008 của Bộ NNPTNT, giống cá tầm Trung Quốc Asipeser sinensit đã có tên trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, nên cá tầm của nước này nuôi tại Việt Nam hoàn toàn hợp pháp. Còn việc xác định, doanh nghiệp trên có vi phạm quy định của pháp luật hay không thì phải xem xét một cách khách quan theo quy định của pháp luật, vi phạm tới đâu xử lý tới đó và chúng tôi vẫn đang chờ báo cáo của đoàn công tác.
Nhiều doanh nghiệp và người nuôi cá tầm đặt câu hỏi tại sao Nhà nước không tiến hành khảo nghiệm để đưa các giống cá tầm của châu Âu vào danh mục?
- Nhà nước cũng rất quan tâm sự phát triển cá tầm tại Việt Nam để tận dụng nguồn nước lạnh sẵn có của các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên, cá tầm châu Âu mới chỉ du nhập và nghiên cứu thử nghiệm tại Việt Nam trong vòng 6 năm gần đây, thời gian chưa có nhiều để khẳng định cần phải phát triển giống cá tầm này với quy mô thế nào là phù hợp, sản lượng bao nhiêu là đủ, ai tiêu thụ và tiêu thụ ở đâu. Chúng ta vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể về nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam và cũng chưa chủ động hoàn toàn được giống cá nước lạnh nói chung, cá tầm nói riêng...
Một cơ sở nuôi cá tầm ở Sa Pa (Lào Cai).
Điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu?
- Hiện chúng tôi cũng đang tiến hành khảo nghiệm giống cá tầm Nga và cá tầm Siberia từ trứng lên giống, giai đoạn 1 đã khảo nghiệm xong cho kết quả rất tốt và đang chuẩn bị khảo nghiệm tiếp giai đoạn 2 là nuôi thương phẩm, và thức ăn cho cá tầm. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn đó, Tổng cục Thuỷ sản trình Bộ NNPTNT để đưa 2 loài cá tầm châu Âu vào danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác khảo nghiệm còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí của Nhà nước dành cho công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các giống cá này trong những năm qua còn quá hạn hẹp. Mặt khác, trứng cá tầm Nga và cá tầm Siberia không được Chính phủ Nga cho phép xuất khẩu ra nước ngoài nên chúng ta không chủ động được giống, phải nhập ở một số nước châu Âu khác về nghiên cứu khảo nghiệm...
Theo ông, khi đưa các giống cá tầm tốt vào danh mục, liệu cá tầm trong nước có đủ cạnh tranh với cá tầm nhập lậu của Trung Quốc?
- Để cá tầm của Việt Nam có thương hiệu và cạnh tranh được với cá tầm của các nước trên thế giới còn có rất nhiều điều kiện khác nữa chứ không chỉ khảo nghiệm rồi đưa vào danh mục là xong. Theo tôi, vấn đề quan trọng hơn cả là chúng ta phải tự sản xuất nhân tạo được giống cá tầm tại Việt Nam với giá thành người dân chấp nhận được.
Ngoài ra, chúng ta phải có quy trình công nghệ nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; thức ăn tự sản xuất được trong nước với chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm... Có như thế chúng ta mới cạnh tranh được.
Xin cảm ơn ông!