Ông Nguyễn Văn Huế (khu phố 5, phường 5, TP. Mỹ Tho), có 10 năm nuôi cá dĩa cho biết: Hiện tại, việc xuất khẩu cá dĩa không còn sôi động như những năm trước đây, nhưng so với một số ngành nghề khác, nghề này có nhiều ưu thế như: không đòi hỏi mặt bằng rộng nên phù hợp với các hộ nuôi ở khu vực đô thị; người nuôi có thể tận dụng không gian trong nhà để nuôi và hiệu quả mang lại khá cao… nên thu hút nhiều người tham gia và gắn bó với nghề.
Hiện tại, trại cá dĩa của ông có 300 cặp cá bố mẹ được nuôi trong hồ kiếng, với 2 chủng loại chính là cá dĩa Bông và Côban (Lam lai Bông) và 1.000 con cá hậu bị được thả nuôi trong 30 hồ nhân tạo (xây tường trên nền đất tự nhiên: 4m x 4m x 0,5m) tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Mỗi tháng, ông xuất bán từ 6.000 - 7.000 cá bột với mức giá trung bình 3.000 đồng/con. Về cá hậu bị, sau 10-12 tháng tuổi, ông bán với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/con; cá bố mẹ (mới sinh sản) 350.000 đồng/cặp.
Để phòng bệnh cho cá (bệnh nấm, đường ruột), ông Huế lưu ý người nuôi nên giữ nhiệt độ nước trong ao ở mức trên dưới 30oC, tránh để dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nguồn nước, cá dễ phát bệnh. Về thức ăn, đối với cá con, ông sử dụng Atemia (loại thức ăn dùng cho tôm) và trùn chỉ; đối với cá hương (3 tuần tuổi sau khi tách mẹ), cá hậu bị ông sử dụng tim bò, xay nhuyễn trộn với tảo Spirulina (hỗ trợ đường ruột) ép thành khối, cắt nhỏ rồi trữ lạnh dùng để cho cá ăn mỗi ngày.
Qua quá trình nuôi, ông nhận thấy, cá nuôi trong hồ kiếng thường cao dạo, màu sắc đẹp nên giá bán cao hơn so với nuôi trong hồ nhân tạo, nhưng bù lại phải tốn công chăm sóc nhiều hơn (kiểm tra nhiệt độ nước, máy cung cấp ôxy, thay nước…).
Anh Nguyễn Văn Linh (khu phố 8, phường 5, TP. Mỹ Tho) cho biết, trước đây anh chuyên đi vớt trùn chỉ, trứng nước để bán cho các hộ nuôi cá kiểng, cá bột giống. Sau đó, được sự hỗ trợ của ông Huế, anh làm thử một số hồ nhân tạo dạng tạm bợ (đắp đất, trải bạc nhựa) và bắt cá bột về nuôi thử.
Nhận thấy hiệu quả mang lại khá cao, anh tiếp tục mở rộng quy mô lên 21 hồ, trong đó có 10 hồ xây tường, 11 hồ tạm bợ. Cá bột nuôi trong 3 tháng đạt kích thước 6cm (từ đầu đến cậy đuôi), thương lái mua tại ao với giá 20.000 đồng/con.
Trừ tất cả chi phí, mỗi con cá thành phẩm xuất bán, anh thu lãi 10.000 đồng. Nhờ con cá dĩa, gia đình anh sớm thoát nghèo, trả hết nợ ngân hàng, nên anh có ý định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi trong thời gian tới.
Cặp cá dĩa Bồ câu đang chăm sóc đàn con mới nở.
Còn chú Nguyễn Minh Hùng (Long An, Châu Thành) nuôi cá dĩa đã 5 năm. Chú cho biết, lúc đầu, thấy loại cá này đẹp, mua về nuôi thử làm kiểng, sau thấy cá tương đối dễ nuôi, hiệu quả nên chú làm thiệt. Trại cá của chú hiện có 120 hồ bằng kiếng, với 80 cặp bố mẹ và khoảng 1.500 cá bột, cá hương và cá hậu bị các loại.
Điểm đặc biệt ở trại cá của chú là từ cá bột đến cá bố mẹ hoàn toàn được nuôi trong hồ kiếng, với chủng loại rất đa dạng và tương đối cao cấp như: Bồ câu đỏ, Da beo, Zed (đỏ), Amino vàng, Amino bồ câu, Amino lam…
Ngoài ra, do nuôi trong hồ kiếng và sử dụng bí quyết trong quá trình phối trộn với thức ăn để cho cá ăn (khi cá đạt 6 tháng tuổi) nên đàn cá dĩa của chú con nào cũng cao dạo, màu sắc rực rỡ, sắc sảo, vì thế giá bán thường cao gấp đôi so với những con cá dĩa bình thường.
Với diện tích chưa đầy 100 m2 nhưng mỗi năm, trại cá dĩa mang về cho chú thu nhập trên 100 triệu đồng. Với nghề nuôi cá dĩa, đã tạo cho gia đình chú có cuộc sống ngày càng khấm khá.