Gia đình ông Tăng Diên Hồng, ấp 6, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, có 05 ha đất nuôi tôm. Ông cho biết: “Những năm đầu mới chuyển dịch sang nuôi tôm, nhiều gia đình ở đây nuôi tôm rất trúng mùa, đem lại nguồn thu nhập khá cao, đời sống của nông dân được cải thiện và nâng lên. Tuy nhiên, tôm trúng được khoảng 3 mùa, từ đó trở đi, tôm nuôi thất mùa liên tục, thu nhập thấp, thậm chí nhiều gia đình bị thua lỗ. Nông dân ở đây gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đến cuối năm 2014, được sự giúp đỡ và hướng dẫn của kỹ sư nuôi trồng thủy sản về kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước, nông dân làm theo để mong đạt được kết quả cao trong việc nuôi tôm”.
Gia đình ông thiếu lao động, không có người chăm sóc nên ông cho mướn hơn 2 ha, còn lại 2,8 ha ông nuôi tôm theo quy trình quảng canh cải tiến ít thay nước. Với diện tích này, sau khi cải tạo vuông nuôi đúng quy trình, được sự hỗ trợ của kỹ sư nuôi trồng thủy sản của tỉnh Cà Mau, đợt đầu tiên ông Hồng thả nuôi 40 ngàn con tôm sú giống. Sau một tháng, ông Hồng tiếp tục thả thêm 40 ngàn con tôm giống. Với cách làm này cho đến khi kết thúc vụ mùa nuôi tôm. Khi đợt tôm nuôi đầu tiên lớn khoảng 50con/kg đến 40 con/kg, ông Hồng đặt lú bắt tôm và đặt suốt cho đến khi kết thúc vụ mùa nuôi tôm. Mỗi đêm, ông Hồng thu hoạch thấp nhất từ 200 ngàn đồng trở lên, có đêm thu nhập cả triệu đồng tôm nuôi. Mỗi tháng gia đình ông Tăng Diên Hồng thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng từ nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước. Ngoài ra, ông Tăng Diên Hồng còn thả cua biển nuôi xen với tôm để tăng thêm nguồn thu nhập mà không ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Ông Tăng Diên Hồng nuôi cua biển xen với tôm để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Ông cũng cho biết thêm: “Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, nông dân phải làm theo đúng quy trình về nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước. Vuông nuôi phải dọn sạch cỏ, sên vét kênh mương, gia cố bờ bao, tu sửa cống bọng, diệt cá tạp, phơi mặt vuông khi mặt đất nứt nẻ chân chim là được… Sau khi lấy nước vào vuông nuôi phải diệt khuẩn, cấy vi sinh theo định kỳ. Khi các yếu tố môi trường (pH, độ mặn, độ kiềm, độ trong và màu nước) ổn định mới thả tôm giống. Điều quan trọng là bờ bao vuông nuôi phải kiên cố để giữ lượng nước trong vuông nuôi không thoát ra ngoài. Ban đầu, nông dân chưa nắm vững quy trình nuôi tôm quảng cảnh cải tiến ít thay nước, nên hiệu quả tôm nuôi đạt chưa cao theo mong đợi. Sau khi nắm vững quy trình và ứng dụng đúng quy trình nuôi tôm quảng cảnh cải tiến ít thay nước, nông dân ở đây đã thành công trong việc nuôi tôm”.
Trưởng ấp 6, xã Tân Thành Nguyễn Quốc Điền, nhận xét: “Gia đình ông Tăng Diên Hồng là một trong những hộ đã thành công trong việc nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước của ấp 6. Điều khác biệt ở ông Hồng là thời gian thả tôm giống nuôi giữa đợt trước với đợt sau ngắn hơn so với quy trình hướng dẫn của kỹ sư. Ông Hồng đặt lú bắt tôm liên tục không gián đoạn so với những hộ gia đình khác trong ấp. Từ khi thực hiện quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước đến nay, nông dân ấp 6, xã Tân Thành ổn định nguồn thu nhập, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống gia đình. Đây là mô hình bền vững của nông dân ấp 6, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau từ cuối năm 2014 đến nay”.