Đầm Thị Nại có hơn 900 ha diện tích nuôi tổng hợp các đối tượng thủy sản, trong đó ao nuôi có cây ngập mặn chiếm gần 600 ha. Với mục đích đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định môi trường, giảm thiểu dịch bệnh, tăng thu nhập, ổn định kinh tế - xã hội vùng ven biển. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn” trên ao nuôi diện tích 10.000 m2 (01 ha) của ông Nguyễn Thế Lập tại thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Các hộ dân tham quan mô hình tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Ảnh: Thành Nguyên, Tepbac.
Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% về con giống, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Anh Lập với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi ghép tổng hợp các đối tượng thủy sản trong ao nuôi ghép sinh thái có cây ngập mặn. Đồng thời được sự hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, anh Lập tiến hành thả 100.000 con giống tôm sú (3-5 cm/con), 1.000 con cá chua (6 cm/con) và 2.000 con cua xanh giống (1,5 cm/con). Nhờ đó, sau 5 tháng nuôi, tôm, cua, cá sinh trưởng và phát triển tốt, không xuất hiện bệnh, tỷ lệ sống cao (tôm sú 62%, cua xanh 43%, cá chua 85%), kích cỡ đều đạt so với yêu cầu đề ra (tôm sú 22 g/con, cua xanh 250 g/com, cá chua 400 g/con). Sản lượng ước đạt 1.919 kg (trong đó, tôm sú 1.364 kg, cua xanh 215 kg, cá chua 340 kg), sau khi tính toán trừ các chi phí, anh Lập ước lãi khoảng 177 triệu đồng.
Anh Lập chia sẻ thêm, trong quá trình triển khai anh luôn tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn từ khâu cải tạo ao, xử lý gây màu nước, thả giống, đến các bước chăm sóc quản lý, phòng bệnh,... Đồng thời, do ao nuôi là ao sinh thái có cây ngập mặn ven bờ nên việc kết hợp nuôi ghép cần phải đảm bảo không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ngập mặn.
Cua sau 5 tháng nuôi. Ảnh: NTN, Tepbac.
Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông) cho biết, đây là mô hình nuôi ghép an toàn sinh học có tính đặc thù. Việc kết hợp nhiều đối tượng nuôi trên cùng một diện tích, trong cùng một thời vụ đã góp phần tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, thức ăn thừa của các đối tượng nuôi chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Nhiều hộ dân đã thực hiện và thành công, thu nhập cao hơn hẳn so với hình thức nuôi chuyên tôm trước đây. Đây là mô hình đem lại hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế mà còn mang tính ổn định môi trường, xã hội và phát triển bền vững, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, do đó cần nhân rộng để người dân áp dụng và hưởng lợi.
Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Định, năm 2022 Trung tâm thực hiện xây dựng mô hình trên 2 điểm trình diễn tại các huyện Phù Cát và Tuy Phước. Đây là mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá theo hướng an toàn sinh học, chỉ cho ăn đối tượng nuôi chính là tôm sú và tận dụng thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao, không sử dụng thuốc hóa chất gây ảnh hưởng môi trường cũng như kháng sinh trong phòng trị bệnh do đó sẽ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.