Từ năm 2014 đến nay, tình hình thiên tai diễn biến bất thường, đặc biệt từ đầu năm 2016, tại ĐBSCL đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn sâu, kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân, trong đó trên 200.000 hộ bị thiếu nước ngọt. Như vậy là thiên tai đã và đang tác động xấu tới vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Từ đầu tháng 4/2016, lưu lượng nước từ đầu nguồn sông Cửu Long bắt đầu được cải thiện, đã góp phần đẩy mặn, tạo điều kiện lấy nước phục vụ sản xuấtvà tạo thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL vẫn diễn biến hết sức phức tạp và gay gắt, nhất là thời gian đầu tháng 5/2016. Dự báo, tình hình biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục diễn ra nhanh hơn, phức tạp hơn và diễn biến cực đoan hơn.
Trước tình hình đó, một số lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp đi kiểm tra, thị sát, làm việc với các địa phương và có các Thông báo chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. Cụ thể là, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Bộ ngành (như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế) và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cùng vớichính quyền các địa phương trong vùng đã vào cuộc, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó còn có sự chủ động tích cực của người dân, đồng lòng giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng của các Bộ, ngành, các địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn để vừa duy trì sản xuất và quan tâm ổn định đời sống nhân dân; đồng thời chia sẻ những khó khăn của các địa phương, đặc biệt là của người dân vùng ĐBSCL trong giai đoạn vừa qua do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo những giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cần phải tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt, căn cơ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Trước mắt các Bộ, ngành phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT và chính quyền các địa phương đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân; tiếp tục rà soát, hỗ trợ kịp thời các hộ khó khăn, hộ gia đình chính sách về nguồn nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, dự báo nguồn nước, đặc biệt là diễn biến dòng chảy từ thượng nguồn về ĐBSCL, tình hình xâm nhập mặn. Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương tiếp tục chỉ đạo vận hành các công trình để lấy nước, tích trữ nước ngọt vào hệ thống kênh rạch, hồ ao, vùng trũng; chỉ đạo các địa phương tăng cường liên kết vùng để huy động, khai thác các nguồn lực hiệu quả nhất cho ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm cập nhật, bổ sung kịch bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam đến cấp xã; tăng cường năng lực giám sát, dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn. Các Bộ, ngành trung ương tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh các quy hoạch trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó có quy hoạch tổng vùng ĐBSCL, quy hoạch phát triển nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch giao thông vùng, cấp nước vùng, quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là quy hoạch trữ nước ngọt để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô phù hợp với phát triển sản xuất, trên cơ sở đó điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất. Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương tập trung điều chỉnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, chủ động thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, khó khăn ở vùng thường xuyên thiếu nguồn nước ngọt (như vùng bãi ngang) để bảo đảm cuộc sống. Các địa phương tăng cường quản lý khai thác cát trên sông và vùng ven biển; chủ động bảo vệ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh khôi phục, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, góp phần phòng chống sạt lở, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân.