Ví như ở “thủ phủ” nghề nuôi cá lóc là huyện Trà Cú, có tới 752 hộ nuôi cá lóc, trên diện tích gần 93 ha mặt nước, với số lượng con giống hơn 33 triệu con, tăng gấp 2 lần so năm 2011. Việc phát triển tự phát nghề nuôi cá lóc không nằm trong quy hoạch đã dẫn đến khó khăn trong quản lý cũng như việc đầu tư hệ thống thủy lợi phục nuôi thủy sản.
Hiện các tuyến kênh thủy lợi tại các vùng nuôi cá, phần lớn chưa được đầu tư nạo vét, sau mỗi vụ cá các chất thải từ trong ao được người nuôi xả trực tiếp ra kênh mương, làm bồi lắng rất lớn, gây thiếu nước và nước bẩn cho sản xuất nông nghiệp xung quanh.
Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có ngàn hộ dân khoan giếng để phục vụ nghề nuôi tôm sú. Hậu quả là tầng nước ngầm tại vùng tôm đã bị tuột thấp và ô nhiễm, nay tình trạng nguy hại này lại tiếp diễn ở vùng nuôi cá lóc.
Thiết nghĩ, để đảm bảo cho nghề nuôi cá lóc phát triển bền vững nhưng tránh được tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh cần nhanh chóng có những giải pháp hỗ trợ nông dân. Trước hết, cần chuyển giao cho nông dân về quy trình kỹ thuật nuôi cá lóc có ao chứa bùn và nước thải; giúp địa phương qui hoạch cụ thể vùng nuôi để xây dựng hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nguồn nước. Có vậy, nông dân sẽ không tự phát đào ao nuôi cá và lén khoan giếng nước ngầm tràn lan như hiện nay.