Từ năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đầu tư hơn 300 triệu đồng cho 20 hộ nông dân ở xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải thành lập tổ hợp tác thực hiện mô hình nuôi tôm "xanh - sạch". Mô hình giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật để nuôi tôm sú quảng canh đảm bảo đạt hiệu quả, vừa phát triển được môi trường xanh cho vùng đất rừng ngập mặn trong tỉnh.
Mô hình nuôi tôm “xanh - sạch” được xây dựng từ mô hình rừng - tôm, với tỷ lệ 60% rừng và 40% diện tích ao nuôi tôm đã được nông dân sản xuất từ nhiều năm qua. Điều khác biệt là nuôi tôm sú "xanh - sạch" có sự đầu tư về hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng sinh học trong quá trình nuôi tôm. Ao nuôi được xây dựng hệ thống cống cấp và thoát nước riêng biệt, có túi lọc khi cấp nước, bón phân gây màu nước để tạo thức ăn cho tôm nuôi trong 30 ngày đầu. Diện tích cây rừng được chăm sóc, tỉa cành để tạo mật độ ánh sáng phù hợp.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh, trong 3 năm qua, mô hình nuôi tôm “xanh - sạch” đều cho hộ nông sản xuất thu nhập ổn định, diện tích rừng phát triển tốt, có độ che phủ lý tưởng từ 40% trở lên. Bình quân, trên diện tích 3 ha rừng - tôm được thả nuôi 100.000 - 120.000 con tôm sú, đạt lợi nhuận 100 triệu đồng. Ngoài ra, nông dân còn có thêm thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ việc nuôi kết hợp các loài thủy sản khác như cá, cua biển…
Toàn tỉnh Trà Vinh có khoảng 17.000 ha rừng - tôm được nông sản xuất trên 15 năm nay theo phương cách hoàn toàn tự nhiên đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: tôm nuôi chậm phát triển, dễ phát sinh dịch bệnh, nhiều cây rừng bị chết. Nguyên nhân chủ yếu là do cây rừng theo thời gian phát triển khép tán làm thiếu ánh sáng, lá rụng nhiều gây ô nhiễm nguồn nước./.