Là một trong những hộ dân được chọn tham gia thực hiện mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương trong ao đất, ông Đoàn Văn Đùa ở ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu) cho biết: “Tham gia thực hiện mô hình, tôi được hỗ trợ con giống là 1.000 xâu dây, trung bình khoảng 300 con hàu/xâu dây. Sau đó, tôi chiết ra với khoảng cách từ 5 - 6 tấc/con, thả nuôi với mật độ nuôi 5 xâu dây/m2 (khoảng 1.500 con/m2)”. Theo đó, với diện tích khoảng 200m2 ao đất, ông Đùa được hỗ trợ thả nuôi khoảng 300.000 con giống. Sau khoảng 5 tháng nuôi, hàu phát triển tốt và tỷ lệ sống khá cao.
“Nuôi hàu Thái Bình Dương không tốn chi phí về thức ăn cũng như các loại thuốc phòng, trừ bệnh… so với các đối tượng nuôi khác. Nhưng nó lại phụ thuộc vào điều kiện độ mặn và một số yếu tố môi trường, nếu độ mặn phù hợp và yếu tố môi trường thuận lợi thì tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của con hàu là rất cao” - ông Đùa chia sẻ thêm.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Phúc cũng ở xã Vĩnh Hải được đánh giá là điểm nuôi thành công nhất tại vùng ngoài cửa sông. Ông Phúc cho biết: “Do mình nuôi ở khu vực ngoài vùng cửa sông, phù hợp với điều kiện sống của hàu nên hàu tăng trưởng nhanh. Với số lượng 1.000 xâu dây hàu, sau thời gian 5 tháng nuôi, thu hoạch được gần 4 tấn hàu”.
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh, năm 2016, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi hàu thương phẩm trong ao đất và vùng cửa sông ven biển tỉnh Sóc Trăng”. Qua hơn 2 năm triển khai, nhóm thực hiện dự án đã xây dựng 2 mô hình nuôi hàu thương phẩm, cụ thể là: mô hình nuôi hàu giống Thái Bình Dương trong ao đất (3 điểm mô hình) và mô hình nuôi hàu giống Thái Bình Dương ngoài vùng cửa sông (3 điểm mô hình).
Kỹ sư Phạm Viết Nam - Chủ nhiệm dự án (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) cho biết: “Đặc điểm của giống hàu Thái Bình Dương là thịt nhiều, vỏ mỏng, thích ứng với độ mặn từ 0 đến 35‰ và nếu duy trì độ mặn từ 10‰ trở lên từ 5 - 6 tháng thì hàu phát triển rất tốt. Khi hàu đạt kích cỡ tối ưu thì tỷ lệ thịt chiếm 35% so với vỏ”.
Cũng theo kỹ sư Phạm Viết Nam, qua 5 tháng nuôi, hàu đạt trọng lượng 25 con/kg. Thông thường tỷ lệ hàu nuôi sống đạt 20% là khá lời, nhưng ở khu vực xã Vĩnh Hải đạt từ 40 - 50%, cho thấy vùng này nuôi hàu rất thích hợp. Giá bán hàu hiện nay từ 45.000 đồng - 50.000 đồng/kg, có giá trị kinh tế gấp 3 lần so với giống hàu địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thanh Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: “Ở khu vực ven sông Mỹ Thanh, người dân chủ yếu nuôi tôm tự nhiên, hiệu quả không cao, do đất đai chưa khai phá được để nuôi tôm công nghiệp. Việc được đầu tư mô hình nuôi hàu này rất cần thiết với các hộ sống gần cửa sông, giúp tăng thêm thu nhập cũng như ổn định được đời sống kinh tế”.
Trên thực tế hiện nay, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng, hàu Thái Bình Dương vẫn còn là đối tượng mới, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn. Với điều kiện trong ao đất tại vùng cửa sông phù hợp, Sóc Trăng có thể duy trì và phát triển hàu Thái Bình Dương. Qua đó, giảm áp lực khai thác tự nhiên, bảo vệ nguồn lợi, đa dạng hóa các đối tượng nuôi và đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.