Thất bại không nản
Dẫn chúng tôi thăm quan mô hình trồng rong nho được đầu tư bài bản có khu chế biến tại chỗ, anh Thoại tâm sự, anh sinh ra và lớn lên tại vùng biển Ninh Hải, vì vậy nghề nuôi trồng thủy sản đã gắn bó từ thuở nhỏ. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP. HCM, anh không cùng bạn bè bám trụ đất Sài Thành mà quyết định trở về quê hương lập nghiệp.
Ban đầu anh phụ giúp gia đình việc nuôi tôm, thế nhưng càng nuôi càng lỗ vốn mà nguyên nhân là do con giống không đảm bảo, môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh hoành hành. Đang bế tắc vì không biết nuôi con gì cho phù hợp thì đầu năm 2004, anh tình cờ nhận được 200 gram rong nho thông qua một dự án cải tạo môi trường biển của Nhật Bản tại Việt Nam.
Lúc đầu anh dự định là trồng số rong nho này để cải tạo môi trường ao nuôi. Tuy nhiên khi biết rong nho được dùng làm thực phẩm có giá trị kinh tế cao được thị trường Nhật Bản ưa chuộng, anh đã quyết định chuyển đổi các hồ nuôi tôm của gia đình sang trồng rong nho. Thời gian đầu do chưa nắm vững kỹ thuật nên số rong nho anh trồng cứ lần lượt chết dần chết mòn.
Tuy nhiên thất bại ban đầu không làm anh nản chí mà tiếp tục thử nghiệm nhiều cách trồng khác nhau như trồng rong có lưới che và trồng để tự nhiên ngoài trời. Kết quả, số rong nho được che chắn lưới sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đó, anh nhận ra đặc tính của rong nho là chỉ có thể sống trong môi trường có nhiệt độ thích hợp từ 20 - 28 oC, độ mặn 30%o trở lên, độ PH từ 7,5 - 8 và đặc biệt tránh ánh sáng mặt trời rọi trực tiếp.
Trở thành tỷ phú
Năm 2006, anh bắt đầu thu hoạch rong cho xuất khẩu lô hàng đầu tiên với 36 kg được thị trường Nhật chấp nhận. Từ thành công bước đầu đã giúp anh thêm vững chí tiếp tục đầu tư cho vụ mới và mở rộng diện tích ao nuôi. Cho đến nay anh có 3 ha ao nuôi trồng rong nho, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha/năm, sau khi trừ tất cả chi phí lãi từ 600 - 900 triệu đồng. Như vụ năm nay với diện tích trên anh thu khoảng 70 tấn rong tươi, hoạch toán chi phí lãi hơn 700 triệu.
Về kỹ thuật trồng rong nho, theo anh Thoại, có 3 phương pháp trồng đó là trồng đáy, trồng kê sàn và trồng trong vỉ lưới. Tuy nhiên phương pháp trồng trong vỉ lưới sử dụng các khung tre làm thành hình chữ nhật kích thước 0,3 x 0,6m và có bao lưới xung quanh, cố định rong giống trong vỉ và thả theo thứ tự thành hàng trong ao.
Phương pháp này giúp cho rong hấp thu được chất dinh dưỡng từ đáy ao và chăm sóc, thu hoạch thuận tiện hơn mang lại hiệu quả cao. Mật độ trồng 200 kg/sào tương ứng khoảng cách 0,4x0,4 m (đối với trồng đáy). Còn trồng trong vỉ lưới mỗi vỉ cấy 170 - 200 g tương ứng kích thước mỗi vỉ 0,3x0,6 m và có khoảng 1.000 - 1.200 vỉ/sào.
Cũng theo anh Thoại, rong khi được thu hoạch nếu không được sơ chế một cách cẩn thận sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng. Chính vì vậy anh đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tuân thủ đúng quy trình mà người Nhật Bản đã chuyển giao.
Cụ thể khi rong nho thu hoạch bằng tay được cắt tỉa phần chùm nho ra khỏi thân. Sau đó chọn những chùm có kích thước từ 6 - 8 cm rửa bằng nước biển để loại bỏ phần dập héo trôi theo nước. Tiếp đến rong được cho vào ô chứa và sục khí trong 24h nhằm làm lành vết cắt, sau đó vớt lên để ráo nước cho vào hộp. Sau công đoạn làm thủ công, rong nho được cho vào quay li tâm và đựng trong hộp nhựa trong suốt để lấy ánh sáng mặt trời nhằm giữ được độ tươi lâu.
Hiện xưởng SX của anh Thoại chế biến 3 loại rong gồm rong tươi, rong khô và rong nước. Đầu ra của sản phẩm rong nho ngày càng thuận lợi. Ngoài việc xuất khẩu sang Nhật thì thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... đang được anh nhắm tới.
Anh Thoại còn tư vấn chuyển giao phương pháp SX rong nho cho đoàn viên thanh niên có nhu cầu và giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 2,5 - 3 triệu đ/tháng/người.