Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm
Đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao từ khâu sản xuất con giống đến khâu nuôi tôm xuất khẩu tại Bạc Liêu (và cả nước) phải kể đến Tập đoàn Việt - Úc. Đây là một trong những tập đoàn, doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mới nhất hiện nay.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc cho biết: “Con tôm hoàn hảo là phải truy xuất được nguồn gốc và phải tuyệt đối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thương hiệu “con tôm hoàn hảo” sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị của sản phẩm làm ra. Do vậy, Tập đoàn Việt - Úc ứng dụng các giải pháp công nghệ cao vào chuỗi sản xuất tôm khép kín từ khâu tôm giống đến khâu nuôi như công nghệ nhà màng, kiểm soát môi trường và dịch bệnh, công nghệ cho ăn tự động, công nghệ xử lý nước… Đây là những yếu tố cơ bản làm thay đổi diện mạo ngành tôm...”.
Anh Long Văn Nghĩa (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) thì đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc trong hồ tròn nổi. Hồ nuôi được thiết kế đặc biệt với dạng tròn, dựng từ khung thép phủ bạt. Tôm nuôi theo mô hình này cho năng suất cao, ổn định và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo anh Nghĩa: “Tôi sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm trong hồ tròn nổi cho bà con nông dân để cùng xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, bền vững”.
Còn mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn của anh Lê Anh Xuân (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) là nuôi tôm trong nhà lưới trải bạt đã thành công và đang phát triển mạnh. Ưu điểm của mô hình này là kiểm soát thời tiết, không còn lệ thuộc vào thiên tai bất lợi; kiểm soát được mầm bệnh, nguồn nước, làm chủ khoa học - kỹ thuật… So với cách sản xuất truyền thống, việc ứng dụng mô hình này vào sản xuất, tuy chi phí đầu tư không nhỏ, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá lớn.
Nhân rộng mô hình, xây dựng thương hiệu
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt kim ngạch 1 tỷ USD về xuất khẩu thủy sản. Để thực hiện đạt mục tiêu này, tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các hộ nuôi tôm liên kết và tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã vùng nuôi tôm công nghệ cao, tiến tới thành lập Hiệp hội Nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu, từng bước khắc phục tập quán sản xuất nhỏ lẻ.
Cùng với đó là triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, giúp các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia bảo hiểm tôm nuôi. Đồng thời khuyến khích áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP, áp dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật canh tác và phát triển mô hình theo hướng cộng đồng. Tỉnh cũng tổ chức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng con giống, vật tư, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm để góp phần giảm chi phí sản xuất, ổn định sản lượng, nâng cao giá trị con tôm…
Cơ quan thú y kiểm tra chất lượng tôm giống của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: “Qua 2 năm ứng dụng sản xuất, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh tính hiệu quả và bền vững. Bạc Liêu hiện có 10 công ty, doanh nghiệp và gần 300 hộ nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 1.380ha. Qua nhiều vụ nuôi, tỷ lệ thành công của mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chiếm 85 - 90%, năng suất đạt 80 - 100 tấn/ha mặt nước nuôi/năm đối với ao đất lót bạt, và 150 - 180 tấn/ha mặt nước nuôi/năm đối với hình thức nuôi trên hồ tròn, lợi nhuận đạt hơn 50% so với tổng chi phí đầu tư.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, Bạc Liêu có từ 4 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên; trong đó có 3 vùng nuôi trồng thủy sản và 1 vùng sản xuất giống thủy sản. Đến năm 2025, tỉnh có từ 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên; trong đó có 9 vùng nuôi trồng thủy sản và 1 vùng sản xuất giống thủy sản, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2025 đạt 1 tỷ USD. Để làm được điều đó, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, hướng đến xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt.
Tập đoàn Việt - Úc đang xây dựng chuỗi giá trị tôm khép kín, hướng đến xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc. Đây là một trong những việc làm góp phần xây dựng thương hiệu cho con tôm. Bởi, nếu con tôm Việt được xuất khẩu nguyên con vào Úc (thị trường khó tính) thì có thể xuất khẩu vào tất cả các nước khác.