Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Quan điểm sửa đổi Luật Thủy sản lần này là thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực thuỷ sản; phù hợp với chiến lược phát triển và tái cơ cấu ngành theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khắc phục được những hạn chế, bất cập trong Luật Thủy sản 2003; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, phân cấp tối đa cho địa phương và tạo cơ sở pháp lý cho việc giao tổ chức cộng đồng quản lý trong hoạt động thủy sản.
Phát biểu tại buổi thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục và đầy đủ các hồ sơ, tài liệu theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật đề xuất đổi tên “Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản” thành “Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản” để mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, kế thừa quy định tại Điều 10 Luật Thủy sản 2003. Rất tán thành với đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý với việc thành lập Quỹ ở trung ương và quỹ cấp tỉnh; do hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đều gắn liền với cộng đồng ngư dân tại địa phương và rất cần các nguồn tài chính từ xã hội hóa phục vụ thiết thực tại địa phương cho công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, địa phương chính là nơi trực tiếp triển khai việc khắc phục sự cố môi trường, hỗ trợ khắc phục hậu quả của thiên tai, bệnh dịch trong hoạt động thủy sản. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng cần đánh giá kỹ nội dung này để quy định phù hợp và đảm bảo tính khả thi.
Về đề xuất bổ sung quy định Kiểm ngư có tại 28 tỉnh ven biển, do nguồn lợi thủy sản khu vực gần bờ đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt, lực lượng thanh tra không được trang bị các công cụ hỗ trợ để thực thi nhiệm vụ. Mặt khác, quy trình thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản có tính chất đặc thù. Dó đó, nếu thực hiện đúng quy trình theo quy định của hệ thống pháp luật về thanh tra sẽ khó khăn trong việc phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết có lực lượng Kiểm ngư tại các tỉnh ven biển trên cơ sở của lực lượng thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt thì lực lượng Kiểm ngư Trung ương có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản trên các vùng biển xa bờ, lực lượng Kiểm ngư vùng lại khó phản ứng nhanh với các tình huống phát sinh và có thể hoạt động không hiệu quả khi không gắn với chính quyền địa phương. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng “địa phương nào cần thì tổ chức, không nhất thiết tổ chức ở tất cả 28 tỉnh, thành phố có biển”, còn ông Phan Thanh Bình cho rằng phương án tổ chức lực lượng kiểm ngư theo vùng có tính khả thi tại thời điểm này.
Phát biểu làm rõ một số nội dung, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Việc hình thành Kiểm ngư cấp tỉnh về cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm nhân lực và phương tiện. Trong tình hình nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu ngày càng suy giảm thì rất cần thiết phải có lực lượng Kiểm ngư địa phương, góp phần bảo đảm biển thực sự là biển bạc của quốc gia”.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng tại dự thảo Luật cần quy định rõ về chính sách, hành vi cấm, trách nhiệm trong quản lý và cần rà soát nội dung với các Luật hiện hành để tránh chồng chéo các quy định.
Kết luận phiên buổi thảo luận về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Thường vụ Quốc hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Luật Thủy sản (sửa đổi) do Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn tiếp tục rà soát nội dung dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất của luật này với các Luật khác, nên có một chương riêng quy định về Quản lý nhà nước. Trong đó, có trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh “Trong luật có nhiều điều chung chung, có nhiều điều còn giao Chính phủ quy định, cần bảo đảm tính khả thi để khi Luật được thông qua phải đi vào cuộc sống, tránh tình trạng ban hành luật không thực hiện được”. Thường vụ Quốc đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo và thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến.