Sắp vào mùa vụ mới mà tình hình tôm nuôi thiệt hại vẫn diễn ra nghiêm trọng. Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo người nuôi nên cắt vụ và có thể nuôi các đối tượng thủy sản khác phù hợp để cải thiện thu nhập.
Quy trình nuôi công nghiệp phát triển quá nhanh, phong trào nuôi thâm canh, tăng vụ, tăng mật độ vượt quá tầm kiểm soát của ngành chức năng; thị trường tôm giống, thuốc, hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản vượt tầm kiểm soát,… khiến cho môi trường ao nuôi, vùng nuôi nhanh chóng suy thoái.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: “Nguyên nhân chính là từ phong trào nuôi thâm canh. Ở đây bà con có thể nuôi thẻ từ 100 con/m2 thậm chí 200 con/m2. Tôm sú nuôi đến 80 con/m2 do vậy mà môi trường không chịu đựng được”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo phong trào nuôi thâm canh ở Sóc Trăng, bởi với quy mô nuôi công nghiệp phát triển ồ ạt, trong khi hạ tầng thủy lợi từ nội đồng đến nguồn nước cấp cho cả vùng nuôi lại cùng một công năng - vừa cấp nước vào vùng nuôi, vừa giữ vai trò chứa nước thải, muốn khôi phục lại vùng nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng là cả một quá trình đồng bộ từ thủy lợi, quản lý nhà nước về các yếu tố tạo mầm bệnh, trở lại với các mô hình nuôi luân canh và cả ý thức của nông dân về xây dựng môi trường vùng nuôi bền vững.
Ông Bùi Đức Quý, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định – Tổng Cục Nuôi trồng thủy sản nhận xét: “Đối với nuôi tôm công nghiệp ở Sóc Trăng quá quy mô, trong khi các yếu tố cần thiết chưa đáp ứng là một điều thất bại. Tôi đề nghị chỉ nuôi 1 vụ tôm mà thôi. Nếu sau vụ tôm thì có thể nuôi 1 đối tượng thủy sản khác để giảm áp lực môi trường”.
Tôm thiệt hại 2 năm liên tiếp đã làm cho người nuôi tôm cạn vốn để đầu tư cho mùa vụ nuôi mới và diện tích treo ao sẽ còn tăng lên vì người nuôi ngán ngại dịch bệnh. Tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm nước lợ gần 48.000 ha thì có hơn 40.000 ha lệ thuộc hoàn toàn vào sông Mỹ Thanh phục vụ cho cả thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và Mỹ Xuyên. Vấn đề là tìm biện pháp để Sông Mỹ Thanh không phải đảm đương nhiệm vụ vừa cấp nước vừa xả thải cho cả một vùng nuôi rộng lớn như vậy.