Sáng cuối tuần giữa tháng 5, ao cá của anh Nguyễn Thanh Chức, thôn 1, xã Suối Rao khá rộn ràng, tấp nập bởi đây là thời điểm thu hoạch lứa cá nước ngọt đầu tiên trong năm 2017. Khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, anh Chức cùng 3 người làm thả lưới xuống ao, chậm rãi quây đàn cá.
Thương lái cũng đã chờ sẵn để thu mua. Anh Chức cho biết, gia đình anh đào ao nuôi cá đã được 5 năm. Riêng lứa này anh thả nuôi 1.500 con cá chép, 1.200 con cá trắm, 1.500 con cá rô phi, và 500 con cá trôi, cá mè trên hồ cá rộng 1ha vào tháng 12-2016, đến nay được 6 tháng là thời điểm thu hoạch. Lúc này, cá trắm có trọng lượng khoảng 3kg, cá chép, rô phi khoảng 1,5kg, cá mè khoảng 5kg, anh thu khoảng gần 15 tấn cá các loại. Với giá thị trường hiện nay khoảng 55-60 ngàn đồng/kg cá trắm, 55 ngàn đồng/kg cá chép, 30 ngàn đồng/kg mè bông, trừ hao hụt do cá chết, gia đình anh thu về khoảng gần 450 triệu đồng.
Như vậy, với vốn đầu tư 300 triệu đồng cho cá giống, thức ăn như cám, chuối, lúa, vụ này anh lãi hơn 150 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập khá cao tại địa phương đối với người nuôi cá nước ngọt. Sau thời gian thu hoạch, anh sẽ xả nước, vệ sinh ao khoảng 10 ngày rồi tiếp tục thả giống để kịp phục vụ cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Lê Đức Hiến, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, thương lái mua cá nước ngọt nhận xét, hồ nuôi nằm trên vùng gò đồi, nguồn nước ra vào liên tục nên cá sinh trưởng khỏe mạnh. Ông Hiến cho biết: “Sau thu mua, tôi chở cá đến các chợ tại TP. Vũng Tàu; số khác đem lên chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Cá nuôi tại Suối Rao bán lẻ tại các chợ được người tiêu dùng rất thích, hàng tiêu thụ khá nhanh”.
Không chỉ nuôi các loại cá nước ngọt thông thường, nhiều bà con trong xã tìm tòi các hình thức mới, đem lại hiệu quả cao hơn trên cùng một diện tích hồ nuôi. Anh Trần Duy Quang, thôn 1, xã Suối Rao đã thành công với mô hình nuôi cá chép vỗ giòn.
Anh Quang cho biết: “Cá chép nuôi 6 tháng để đạt kích cỡ khoảng 1,5-2kg thì bắt sang một hồ khác để vỗ giòn trong 6 tháng, lúc này hạn chế cho ăn thức ăn thông thường mà tăng khẩu phần ăn là đậu tằm được nhập khẩu từ Úc, Thái Lan”. Được biết, cá chép thông thường chỉ có giá khoảng 55 ngàn đồng/kg, sau khi được vỗ giòn có giá từ 150-200 ngàn đồng/kg. Loại cá chép này thịt dai, giòn, ngọt hơn các loại cá thông thường khác do được bổ sung thức ăn là đậu tằm.
Như vậy, 1 năm nuôi được 1 vụ cá chép giòn (6 tháng nuôi lớn, 6 tháng vỗ giòn), tăng 6 tháng so với cá chép thường, nhưng giá trị tăng gấp 3 lần. Vụ vừa rồi, anh Quang thu được 7,5 tấn cá chép giòn/0,5ha nuôi, thu hơn 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí anh lãi khoảng 500 triệu đồng/0,5ha/năm, cao hơn nhiều so với nuôi thông thường. Hiện anh Quang cũng đang bắt đầu nuôi, vỗ giòn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2018.
Ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Rao cho biết, xã có diện tích 33,88km2, tỷ lệ gò đồi chiếm khá cao. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu canh tác lúa, do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp với một số cây công nghiệp cho thu nhập cao như tiêu, cà phê... Tuy nhiên, thu nhập từ lúa cũng không cao. 5 năm trở lại đây, nhờ nguồn nước từ đập Suối Rao, cộng thêm từ năm 2016 hồ Sông Ray đi vào hoạt động nên nguồn nước được dẫn về khá dồi dào, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá nước ngọt và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện xã có 20 hộ dân nuôi cá nước ngọt trên diện tích mặt nước khoảng 30ha, thu nhập bình quân từ 2 vụ cá khoảng 250-300 triệu/ha/năm.
Cũng theo ông Phạm Văn Hinh, hiện diện tích nuôi cá nước ngọt trên vùng gò đồi chỉ khoảng 30ha là ít so với tiềm năng của xã. Tuy nhiên, để nuôi cá nước ngọt cần số vốn không nhỏ, lên đến hàng trăm triệu đồng, nên Hội Nông dân hướng dẫn bà con nông dân làm thủ tục vay vốn lãi suất thấp của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Đồng thời đề xuất nhiều dự án hỗ trợ nông dân từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh. Đến nay, nhiều hộ đã được vay với tổng số vốn khoảng 1 tỷ đồng/20 hộ.