Hiện nay, cá 3 đuôi đầu lân được xem là một trong các số loài cá cảnh có nhiều tiềm năng phát triển, do khả năng dễ thích nghi với môi trường, thị trường tiêu thụ ổn định và dễ mang lại hiệu quả kinh tế. Xuất phát từ điều đó, Trạm khuyến nông huyện Bình Chánh – Bình Tân kết hợp với UBND và Hội Nông Dân 2 xã Tân Nhựt và Bình Lợi, cùng bà con nông dân thực hiện mô hình trình diễn “Nuôi cá 3 đuôi đầu lân thương phẩm hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới" tại 02 hộ ông Phan Văn Ngân (ấp 1, xã Bình Lợi) và hộ bà Nguyễn Thị Năm (ấp 1, xã Tân Nhựt), nhằm giới thiệu cho bà con nông dân ở địa phương biết về loài cá mới, mở rộng quy mô nuôi cá thương phẩm và dần hình thành vùng sản xuất cá 3 đuôi đầu lân, phát huy tốt hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Qua 06 tháng triển khai thực hiện (từ tháng 04 đến tháng 09/2015), với diện tích mặt ao 5.000m2/ 02 hộ. Trong đó, Khuyến nông đầu tư hỗ trợ 250.000 con giống và 1.500kg thức ăn, tương ứng số tiền là 37.500.000đ. Doanh thu dự kiến đạt được: Với tổng chi phí đầu tư: 77.500.000đ (con giống, thức ăn, khấu hao điện nước, thuốc…); Thu hoạch đợt 1 (vào tháng thứ 2 của vụ nuôi) cá dạt ( cá không đủ tiêu chuẩn được bán làm cá mồi) chiếm 55%, thu được 18.186.000 đồng (91.850 con x 6,6g/con x 30.000đ/kg); Thu hoạch đợt 2 (vào tháng thứ 3 của vụ nuôi) thu được 30.721.000đ (60.120 con x 12,5g/con x 30.000đ/kg); cá sau 6 tháng nuôi đạt chuẩn bán được: 105.210.000đ ( 15.030con x 7.000đ/con = 105.210.000đ) như vậy tổng thu sau khi trừ các chi phí, lãi được 76.617.000đ.
Chị Nguyễn Thị Năm, hộ trực tiếp tham gia mô hình, cho biết: “Cá 3 đuôi đần lân dễ nuôi, ít kén mồi. Đây là mô hình khá phù hợp từ khi tôi chuyển từ đất lúa sang sản xuất cá cảnh, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình”, chị Năm chia sẻ.
Kết quả buổi lượng giá, cho thấy mô hình bước đầu đã xây dựng và phát triển được nghề nuôi cá bền vững, tạo công ăn việc làm cho những lao động nông nghiêp trực tiếp và gián tiếp; cung cấp một lượng cá cảnh thương phẩm cho thị trường, góp phần vào chương trình phát triển cá cảnh trên địa bàn huyện. Đáp ứng được nhu cầu của người dân trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, theo chỉ dẫn của anh Nguyễn Nghiêm Anh Quốc – Cán bộ kỹ thuật Trạm Bình Chánh, người trực tiếp theo dõi mô hình cũng khuyến cáo bà con nên chú ý đến chất lượng nguồn nước, vì đây là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình. Bên cạnh đó, bà con nên chú ý đến việc ghi chép sổ nhật ký để từ đó có thể đút kết được kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nuôi, qua đó sẽ nâng cao được tay nghề nuôi, góp phần đa dạng hóa mô hình, tăng thêm thu nhập cho từng hộ nuôi giúp ổn định cuộc sống cho nông dân ở địa phương.