Sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu
Mô hình sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm được các nhà khoa học đánh giá là bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chính vì con tôm mang lại lợi nhuận cao nên nông dân thường thả nuôi nối tiếp không tuân thủ lịch thời vụ, tháo xổ nước rửa mặn không triệt để. Việc làm này đã mang đến hệ luỵ là đất bị nhiễm mặn nhiều năm, gieo cấy lúa bị thiệt hại, tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh chết kéo dài.
Qua nhiều năm sản xuất nhiều nông dân vùng tôm - lúa rút kinh nghiệm, sau vụ tôm cần phải gieo cấy 1 vụ lúa. Cây lúa sẽ hấp thụ các chất hữu cơ tồn dư từ vụ tôm, có tác dụng làm sạch môi trường. Ngược lại, sau vụ lúa, gốc rạ còn lại sẽ là nguồn dinh dưỡng cho các sinh vật phù du phát triển, tạo thức ăn cho tôm.
Còn nhiều khó khăn
Khó khăn trong sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm là chưa khép kín được tiểu vùng như đã quy hoạch. Sản xuất lúa và nuôi tôm nằm xen kẽ, tạo vùng tranh chấp giữa mặn, ngọt. Điều này dẫn đến hệ thống thuỷ lợi cùng lúc không đáp ứng được 2 nhu cầu, người nuôi tôm cần nước mặn, người trồng lúa thì cần nước ngọt. Trong khi đó sản xuất nông nghiệp của tỉnh phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, không có nguồn nước ngọt cung cấp bổ sung. Những năm có lượng mưa thấp, sản xuất lúa - tôm sẽ không đạt hiệu quả.
Trước thực tế phần lớn người dân vẫn còn tập quán canh tác theo phương pháp cấy, sử dụng giống lúa dài ngày nên nguy cơ bị thiệt hại do nhiễm mặn vào cuối vụ là rất lớn, ngành Nông nghiệp các địa phương phấn đấu chuyển khoảng 20.000ha sang áp dụng kỹ thuật sạ, chọn giống ngắn ngày. Xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, chất lượng cao với quy mô khoảng 1.000ha gắn với định hướng xây dựng thương hiệu tập thể chứng nhận lúa sạch Cà Mau, mời gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Chuẩn bị cho vụ trồng lúa trên đất nuôi tôm thành công
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, cần bố trí gieo mạ tập trung từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8. Thời điểm cấy lúa tập trung tháng 9 đến đầu tháng 10, thu hoạch vào cuối tháng 12 đến tháng 1 năm 2018.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân nên sử dụng giống lúa nhóm “A”, có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện đất nhiễm mặn, như: OM 2517, CXT 30, OM677, GKG… và những vùng có độ mặn thấp nên sử dụng giống lúa OM 5451, OM 6162, Đài Thơm 8, Camau 1, Camau 2…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Tranh khuyến cáo: Khâu cải tạo đất, rửa mặn là rất quan trọng, cần được các cấp chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, vận động nông dân trong vùng tích cực thực hiện, tổ chức rửa mặn đồng loạt từng hộ dân, trên từng địa bàn. Cùng với đó là việc giữ mực nước trên đồng trong suốt quá trình canh tác lúa - tôm, không để mặt ruộng bị khô làm tăng độ mặn ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cây lúa, đồng thời giám sát chặt độ mặn trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời. Việc bón phân và quản lý sâu bệnh, công tác thủy lợi, thủy nông nội đồng, phối hợp chỉ đạo sản xuất phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có kiểm tra, đánh giá. Bà con nông dân cần rửa mặn ngay từ đầu mùa mưa từ tháng 6-9, nhất là vào thời điểm các đợt mưa nhiều, đảm bảo độ mặn trong ruộng dưới 2o/oo trước khi gieo cấy 20 ngày. Để cải tạo đất đạt hiệu quả, bà con nông dân nên cày, trục lại đất kết hợp với bón vôi đá CaO hoặc vôi bột CaCO3 và xẻ nhiều rãnh trên mặt ruộng nhằm giúp mặn trong đất khuếch tán nhanh.
Để sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt hiệu quả, những nơi có đủ điều kiện gieo sạ thẳng tập trung vào giữa và cuối tháng 9 dương lịch, để thu hoạch vào giữa tháng 12 dương lịch. Những vùng áp dụng phương pháp cấy, bố trí mạ từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 dương lịch, thời điểm cấy tập trung trong tháng 9 đến đầu tháng 10 để thu hoạch vào cuối tháng 12, đầu tháng 1 năm sau.
Là địa phương đã chuyển phần lớn diện tích đất sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm sang chuyên tôm, do xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, hạ tầng không được khép kín, năm nay huyện Cái Nước đặt ra chỉ tiêu sản xuất lúa trên đất nuôi tôm 500ha tại những nơi có điều kiện, như xã Phú Hưng, xã Thạnh Phú. Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Mưa nhiều, thuận lợi trong việc rửa mặn, người dân đăng ký sản xuất lúa khoảng 900ha.
Cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm là mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại U Minh, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngay từ đầu năm, địa phương đã phát động, nêu cao vai trò của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc đăng ký sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, bởi thời tiết đang khá thuận lợi.