Anh Trương Thanh Khiết, thành viên HXT Nông nghiệp Dân Phát, hồ hởi: “Ở địa phương, người ta nuôi tôm càng xanh toàn đực ngày một nhiều, mọi người thích thả giống tôm này lắm, 10 người thì có 9 người muốn thả nuôi rồi bởi nó lớn nhanh, đạt đầu con, dễ bán và thu nhập cao hơn. Vui hơn khi được tham gia dự án này, được thả tôm chất lượng như thế trong khi rất nhiều anh em bên ngoài tìm kiếm con giống thả nuôi mà có được đâu, anh em vui lắm”.
Hướng mở từ dự án
Dự án Ứng dụng khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP của Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang triển khai nhằm ương dưỡng giống tôm càng xanh toàn đực, nuôi trồng xen canh tôm - lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để tiến đến chủ động nguồn giống tôm càng xanh toàn đực đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ nông dân nuôi tôm càng xanh kết hợp 1 vụ lúa trong tỉnh; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.
Ông Trịnh Hoàng Cung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dân Phát, cho biết: “Xã viên rất vui khi dự án được triển khai. Khi nhận tôm, chúng tôi nhận thấy tôm giống rất chất lượng”.
Theo ông Cung, không chỉ cung ứng con giống chất lượng mà dự án này còn mang đến sự khác biệt rất lớn như thả tôm đồng loạt, sản phẩm đầu ra có bao tiêu, nông dân được cán bộ hướng dẫn từ khâu cải tạo đến thu hoạch.
Dự án còn tiếp nhận và làm chủ được 3 quy trình: ương dưỡng tôm giống càng xanh toàn đực; nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh trong ruộng lúa; sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (trong hệ thống lúa - tôm). Xây dựng mô hình ương dưỡng 3 triệu con tôm giống càng xanh toàn đực từ giai đoạn ấu trùng lên Postlarvae 12 , tỷ lệ sống >30% để cung ứng cho nông dân.
Ông Phạm Minh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, chủ nhiệm dự án, cho biết: “Dự án hỗ trợ 10.000 con giống (nông dân đối ứng 10.000 con post), 50% chế phẩm sinh học, khoáng và men vi sinh cho nông dân. Ngoài ra, nông dân được kỹ sư của Sở Khoa học và Công nghệ đến hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đo các chỉ số độ mặn, độ kiềm để quản lý và kiểm soát, giúp tôm phát triển tốt nhất”.
Niềm tin vào vụ mùa mới
Đang thả những bọc tôm cuối cùng sau 2 tháng chuẩn bị cho mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, với vẻ mặt mừng rỡ, anh Nguyễn Văn Sự cho hay: “Tôm không bị sốc nước, không thấy hao, xuống nước bơi lội đều, rất khoẻ. Năng suất và thu nhập của anh em cao hơn năm rồi là cái chắc”.
Vụ 2019-2020, thả tôm càng xanh của Thái Lan, thu được trên 30 triệu đồng, anh Trương Thanh Khiết, thành viên HXT Nông nghiệp Dân Phát, phấn khởi: “Mình làm ăn có HTX lo, nhất là con giống, không lo giống kém chất lượng nữa. Bản thân tôi thấy tin tưởng vào con tôm toàn đực này cũng như thành công của dự án”.
Giám đốc Trung tâm Giống thuỷ sản An Giang Phan Hồng Cương cho biết: “Tôm càng xanh toàn đực đáp ứng được truy xuất nguồn gốc, kiểm soát con giống. Từ đó, khi người dân thả nuôi con giống có nguồn gốc rõ ràng, đạt chứng nhận VietGAP để sau này tiến đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và nâng cao thương hiệu”.
Qua thời gian nuôi, nhiều nông dân nhận thấy, cùng với thời gian thả nuôi chỉ 4-4,5 tháng tôm toàn đực cho thu hoạch khoảng 400-500 kg/ha, còn tôm càng ngang chỉ đạt trên dưới 100 kg, giá bán thấp hơn tôm càng xanh toàn đực từ 10.000-20.000 đồng/kg. Từ đó, 138 hộ dân tham gia dự án rất tin tưởng vào vụ mùa này.
Bên cạnh đó, để xây dựng mô hình canh tác xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô mô hình 200 ha: năng suất lúa đạt >3,5 tấn/ha/vụ/năm, năng suất tôm càng xanh toàn đực >250 kg/ha/vụ/năm, đạt mục tiêu dự án đề ra, Sở Khoa học và Công nghệ đã đào tạo 2 kỹ thuật viên ương tôm càng xanh và tập huấn cho 250 người dân về kỹ năng thực hành sản xuất lúa - tôm càng xanh.