Lớn mạnh qua năm tháng
Ra đời năm 1986 theo Quyết định số 31 - BT ngày 22/2/1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), qua gần 30 năm hoạt động với 6 kỳ Đại hội, HLV Việt Nam đã trưởng thành và phát triển không ngừng, mô hình kinh tế VAC theo đó cũng có bước phát triển nhảy vọt về chất và lượng.
Lúc mới thành lập, Hội chỉ có 125 hội viên, đến nay, tổ chức Hội đã có ở 58 tỉnh, 493 huyện và 6.197 Hội cấp xã, 18.481 chi Hội thôn với trên 840.000 hội viên, trong đó có 15 Hội địa phương được xếp là hội đặc thù. Hội đã vận động hội viên, nông dân khôi phục và phát triển nghề vườn, nghề truyền thống đã gắn bó với cuộc sống qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha, trên cơ sở đề xuất và vận động phong trào phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng ở khuôn viên hộ gia đình gọi tắt là VAC. Phong trào làm VAC do Hội vận động đi lên từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao, từ chăm lo cải thiện bữa ăn, chống đói, suy dinh dưỡng tiếp đến là có chút sản phẩm để bán và từng bước tiến lên phát triển VAC kinh tế hàng hóa, góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu.
Ở các địa phương, tổ chức Hội cũng lớn mạnh không ngừng, khẳng định được uy tín, vị thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Đơn cử như HLV tỉnh Bình Định, một trong những đơn vị Hội được thành lập sớm (năm 1986), đến nay, Hội đã có 806 chi hội ở 11 huyện, thị, thành Hội với 63.725 hội viên. Những năm qua, Hội cùng các tỉnh, ban ngành tổ chức được 36.100 ngày tập huấn kỹ thuật và dạy nghề cho 418.460 lượt hội viên; 67 buổi hội thảo với 1.950 hội viên tham gia về hiệu quả các mô hình và cây con có triển vọng. Tổ chức cho 776 hội viên tham quan học tập lẫn nhau giữa các huyện và các xã trong tỉnh, các mô hình sản xuất cho thu nhập và lợi nhuận cao. Tính đến năm 2015, toàn tỉnh đã có khoảng 2.721ha vườn tạp và 1.546 ao hồ hoang hóa không cho thu nhập được cải tạo thành vườn ao sản xuất các loại cây trồng vật nuôi có giá trị cao, đầu tư thấp.Đã giúp 18.366 lượt hội viên xây dựng dự án giải quyết việc làm, vay số tiền 132.974.000.000 đồng để sản xuất...
Hay như HLV xã Phú Cường (Sóc Sơn – Hà Nội), đơn vị vừa kỷ niệm 25 năm ngày thành lập cũng là một nhân tố tích cực trong phát triển nông nghiệp địa phương. Trải qua 7 nhiệm kỳ Đại hội, đến nay tổ chức Hội có 140 hội viên tham gia, phong trào phát triển kinh tế VAC do Hội tổ chức và vận động đã giúp hội viên xây dựng nhiều mô hình làm kinh tế VAC hiệu quả cao như: mít Thái Lan, bưởi Diễn, bưởi da xanh, nhãn chín muộn, táo Đài Loan, đu đủ Đài Loan, gà thả vườn, chim bồ câu, ếch Thái Lan, ba ba gai…, thu nhập bình quân 150-300 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình có thu nhập cao, từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng như nuôi ếch giống, ếch thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Chinh có thu nhập 600 triệu đồng/năm; mô hình trồng nấm sạch của gia đình ông Trần Văn Cộng, chi hội Hương Gia với diện tích nhà xưởng 1.000m2 liên doanh với Hàn Quốc đã tạo ra việc làm cho nhiều lao động, thu nhập hàng tỷ đồng/năm…
Bước tiến của mô hình VAC
Theo GS.TS.Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, mô hình kinh tế VAC cũng có những bước tiến theo thời gian, và ở mỗi giai đoạn lịch sử, nó đã thể hiện tốt vai trò của mình. Khởi đầu với mô hình VAC dinh dưỡng, Hội đã giúp hội viên tự giải quyết thực phẩm để cải thiện bữa ăn, tiến tới ăn no, ăn đủ chất rồi ăn ngon, ăn cân đối khoa học. Hình thức VAC đi từ đơn giản, dễ làm. Ban đầu là mấy luống rau ngắn ngày (rau dền, rau ngót, rau cải, mồng tơi,...), vài cây ăn quả dễ trồng (khóm chuối, cây đu đủ), vuông ao nhỏ để nuôi, đánh tỉa thả bù cá nhỏ ( rô phi, chép ...), chăn nuôi vài con gà mái cho trứng hàng ngày và cứ nâng dần, có nhiều rau, củ, quả và thực phẩm chất lượng cao hơn để bữa ăn phong phú, nhiều chất bồi dưỡng sức khoẻ. Mô hình VAC dinh dưỡng bước đầu làm ở một số gia đình, một số điểm, rồi nhân rộng ra xóm,làng, tiến tới mở rộng ra các vùng, miền.
Khi mô hình VAC dinh dưỡng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, các cấp HLV lại vận động hội viên phát triển VAC theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Ở nhiều tỉnh thành, vườn tạp đã được cải tạo cơ bản 70 - 80%. Diện tích ao hoang, chuồng trại được cải tạo trong 5 năm (2009-2014) là 320.000ha. Cùng với cải tạo vườn tạp, việc tu bổ cải tạo ao hồ nuôi trồng thủy đặc sản cũng được đẩy mạnh ở nhiều địa phương. Phong trào nuôi cá lồng ở 3 miền đều phát triển. Vùng ven biển thì mở rộng việc quy hoạch các vùng ao nuôi tôm, cua, lươn, ếch, ba ba…
Diện tích canh tác trước đây manh mún, nay do yêu cầu tập trung để tiện canh tác và phát triển VAC dẫn đến nhu cầu dồn điền đổi thửa cho nhau. Phong trào mở ra từ huyện Đan Phượng (Hà Nội) rồi loang dần ra các tỉnh, do đó mô hình gia trại, nông trại gia đình liền khoảnh đã đi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra một lượng sản phẩm đáng kể cho xã hội. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, phát triển kinh tế VAC là một trong những giải pháp quan trọng để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tăng nhanh giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Khi chuyển đổi sang làm VAC, nhiều gia đình trồng cây ăn quả, nuôi cá nước ngọt đã đạt thu nhập 300-500 triệu đồng/ha/năm.
“Có thể nói, phong trào làm VAC do HLV Việt Nam đề xướng và vận động đã chuyển động liên tục từ phát triển VAC tự cấp tự túc sang VAC kinh tế; từ VAC kinh tế giản đơn là để có thêm đồng ra đồng vào trang trải cho sinh hoạt gia đình đã chuyển sang phát triển VAC hàng hoá, VAC trang trại hướng đến khách hàng. Rất nhiều hộ nông dân nhờ làm VAC hàng hoá mà trở nên giàu có”, GS.TS.Ngô Thế Dân nhấn mạnh.
Đặc biệt là, hàm lượng tiến bộ kỹ thuật ở các mô hình do HLV Việt Nam khởi xướng và sáng tạo ngày càng chuyên sâu. Các dự án cải tạo nâng cấp chất lượng vùng vải thiều Lục Ngạn, vùng nhãn lồng Hưng Yên, vùng cam Vị Xuyên Hà Giang, vùng bưởi Diễn, cam Canh Hà Nội, vùng thanh long Bình Thuận,… được lãnh đạo các địa phương và ngành chức năng đánh giá cao. Chi nhánh Trung ương HLV Việt Nam khu vực phía Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng HLV 5 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long và Đồng Tháp đã làm thử 5 mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở 5 hợp tác xã nhằm sản xuất ra trái cây chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Bên cạnh những mô hình do các cấp Hội xây dựng, những mô hình VAC tiêu biểu phát hiện và tổng kết từ phong trào quần chúng cũng rất nhiều và đa dạng. Đặc điểm chung của mô hình làm VAC giỏi này là dân tự đầu tư, tự tìm tòi và tự lựa chọn kỹ thuật, không ít mô hình đầu tư thấp mà đạt hiệu quả cao. Như một nông dân ở Sơn La đã chọn ra giống ba ba gai giá sản phẩm cao gấp 2 -3 lần giá ba ba trơn, trên diện tích khoảng 1.000m2, ông đã xây dựng thành cơ sở sản xuất, thu hàng trăm triệu đồng/năm; ông Hai Hoá ở Bến Tre sáng tạo ra kỹ thuật điều khiển bưởi ra hoa theo ý muốn và quả không có hạt. Ông Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Kim Đằng (phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) mỗi năm thu lãi vài ba trăm triệu đồng từ trang trại nhãn lồng của được đặt danh hiệu là “phù thủy nhãn lồng Hưng Yên”.
GS.TS. Ngô Thế Dân cho biết thêm, trong định hướng phát triển sắp tới của Hội, việc xây dựng mô hình ngoài đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, quy mô lớn, có sức cạnh tranh còn phải lo được đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, khi triển khai mô hình phải kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu để nông dân yên tâm sản xuất.
GS.TS.Ngô Thế Dân khẳng định, trong 30 năm hình thành và phát triển, HLV Việt Nam đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều nông dân. Những thành tựu ấy, những cá nhân điển hình tiên tiến sẽ được vinh danh tại dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội dự kiến được tổ chức vào cuối quý I/2016 với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng.
Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam dự kiến được tổ chức vào cuối quý I/2016 với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng. Theo đó, Hội sẽ in kỷ yếu ghi lại chặng đường 30 năm thành lập Hội, trao kỷ niệm chương cho những cá nhân đã tham gia Hội 15 năm trở lên; trao thẻ cho hội viên; khen thưởng một số cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực cho phong trào của Hội; tôn vinh một số nhà vườn tiêu biểu..