Chú trọng sản xuất nghêu giống
Ngày 19.12, tại Bến Tre, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư (TTKNKN) tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng dự án (DA) phát triển mô hình sản xuất (SX) nghêu giống và xây dựng mô hình nuôi thâm canh lươn đồng.
Theo thống kê của TTKNQG, đến tháng 8.2015, cả nước có khoảng gần 19.500ha nuôi nghêu. Riêng ở ĐBSCL, nghêu được nuôi nhiều ở các tỉnh ven biển, sản lượng bình quân từ 7 - 11 tấn/ha/năm. Nuôi nghêu phát triển mạnh, do đó nhu cầu con giống ngày càng lớn, nguồn cung chưa cung ứng đủ. Năm 2015, DA SX nghêu giống được TTKNQG triển khai tại 5 tỉnh (quy mô 0,5ha/tỉnh); trong đó có Bến Tre. Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG - cho biết, DA nhằm tạo nguồn con giống tại chỗ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả SX và đời sống. Đến nay, việc thực hiện DA đạt được kết quả khả quan, tỉ lệ sống từ 50 - 54%.
Bến Tre là tỉnh có diện tích nuôi nghêu lớn nhất vùng ĐBSCL. Tuy nhiên hệ lụy của biến đổi khí hậu đã phần nào tác động xấu đến tỉ lệ sống của nghêu con khiến lượng nghêu giống giảm đáng kể. Trước thực trạng đó, việc SX nghêu giống nhân tạo được hình thành và được đặc biệt quan tâm. Theo ThS Châu Hữu Trị - Phó Giám đốc TTKNKN Bến Tre - hiện phong trào ương, SX nghêu giống tại Bến Tre đang phát triển mạnh, tập trung tại các huyện ven biển. Theo ước tính, nghêu giống nhân tạo có thể đạt khoảng 5 tỉ con/năm.
Nuôi lươn theo tiêu chuẩn GAP
TP.Cần Thơ là địa phương đi đầu áp dụng mô hình nuôi lươn theo các tiêu chuẩn GAP. TS La Ngọc Thạch - cán bộ kỹ thuật TTKNKN TP.Cần Thơ cho biết, năm 2015 TP.Cần Thơ có trên 1.200 bể nuôi lươn (chủ yếu ở 2 huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh). Hiện TP.Cần Thơ đã chuyển nuôi lươn truyền thống từ có bùn sang không bùn bằng con giống bán nhân tạo và thức ăn công nghiệp. Tiêu chuẩn MetroGAP, VietGAP được người nuôi áp dụng hiệu quả. Qua đánh giá mô hình, lươn giống bán nhân tạo theo các tiêu chuẩn GAP, con giống kích cỡ từ 10 - 15cm, sau 8 - 10 tháng nuôi đạt kích cỡ 200 - 300g/con. Người nuôi lãi từ 50.000 - 80.000 đồng/kg.
Tuy hiệu quả cao, song nuôi lươn tiêu chuẩn GAP còn rất khó khăn. Ông Thạch lý giải, do người nuôi chủ yếu SX theo kinh nghiệm truyền thống; chi phí áp dụng quy trình cao; tập quán canh tác nhỏ lẻ; giá con giống, thức ăn, hóa chất tăng khá cao; thời tiết diễn biến phức tạp dễ dẫn đến rủi ro. Ngành NNPTNT Cần Thơ nhận định, cần phát triển nghề nuôi lươn theo hướng liên kết chuỗi, xúc tiến thành lập các tổ hợp tác, HTX nuôi lươn, từ đó làm cơ sở để mời gọi các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.
Ông Kim Văn Tiêu đánh giá, mô hình nuôi lươn theo các tiêu chuẩn GAP của TP.Cần Thơ là hướng đi đúng. Mỗi năm, vùng ĐBSCL cần hàng tỉ con nghêu và lươn giống, trong khi nguồn giống tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Việc SX nghêu và lươn nhân tạo thành công sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu con giống phục vụ SX...