Trong khi đó, các ngành chức năng cho biết nguyên nhân ban đầu khiến cá biển và cá nuôi chết hàng loạt trong thời qua tại Thừa Thiên - Huế được xác định là do độ pH tăng quá cao.
Sáng 20-4, Trạm Y tế xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân Trần Thanh Thủy (8 tuổi, người địa phương) vào cấp cứu trong tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, chiều 19-4, cháu Thủy được người nhà đưa vào Trạm Y tế xã Quảng Phú cấp cứu với các triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt. Lập tức, bệnh nhân đang được các y, bác sĩ truyền nước và theo dõi tích cực tại trạm y tế. Theo người nhà, trước đó, cháu Thủy đã ăn phải loại cá trôi dạt vào bờ biển địa phương. Các bác sỹ khuyến cao do chưa xác định được nguyên nhân khiến cá chết nên khả năng bị nhiễm độc là không bị loại trừ. Vậy khi phát hiện cá chết, người dân không nên dùng để chế biến và ăn loại cá này để tránh rủi ro về sức khỏe.
Cá chết bất thường trôi dạt vào bờ biển Quảng Phú, được người nhân lấy về sử dụng
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình, cho biết đã phối hợp với các ban ngành liên quan lấy mẫu nước và mẫu cá chết để gửi ra Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 - Bộ NN-PTNT) nhằm xác định yếu tố gây độc trong nguồn nước để tìm hiểu đâu là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt tại bờ biển Quảng Bình trong thời gian qua.
Trong khi đó, sáng 20-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế có báo cáo về việc cá biển và cá nuôi ở khu vực Lăng Cô, huyện Phú Lộc bị chết hàng loạt. Theo báo cáo, dấu hiệu cá chết không có biểu hiện bệnh ở phần phụ, mang và nội tạng. Xác định ban đầu một số chỉ tiêu môi trường tại vùng nuôi lồng có cá chết bằng dụng cụ test nhanh: PO4 tầng đáy 1 mg/lít, pH 8,8; độ kiềm 89,5; độ mặn: 30o/oo.
Như vậy, chất lượng nước phú dưỡng PO4 tại thời điểm đo là 1 mg/lít (chỉ số tối đa cho phép chỉ 0,4 mg/lít) nên làm tăng độ pH; so sánh với độ pH vùng đầm phá và ven biển qua các năm thường biến động từ 7,5-8,3. Đây có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt do pH nước thay đổi đột ngột; PO4 tăng cao. Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, mùa có cá rò trôi là nước xấu, kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiết oxy cục bộ làm cho cá chết nhanh.
Cá biển ở miền Trung chết hàng loạt trong thời gian qua
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ ngày 15-4 đến 18-4, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra tình trạng cá biển trong môi trường tự nhiên và cá nuôi ồng (chủ yếu cá Giò, cá Vẩu) ở các khu vực cửa biển Lăng Cô, Lạch Giang (Lộc Vĩnh) chết hàng loạt với khoảng 6.000 con, trọng lượng từ 0,5 đến 25 kg/con. Trong đó, loại cá tự nhiên bị chết gồm cá đuối, cá ong căn, cá mhồng măng, cá nhói xanh… Đối tượng cá nuôi lồng: cá giò, cá vẩu,… của 11 hộ dân. Bà con trong khu vực nuôi cá lồng cho biết thêm khi nước thủy triều dâng lên thì hiện tượng này mới xảy ra.Một số vùng nuôi tôm chân trắng cũng bị ảnh hưởng do lấy nước biển cấp vào cho ao nuôi. Ngoài ra, hiện tượng cá chết cũng xảy ra tại một số tỉnh lân cận như Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng.