Những năm gần đây, tôm Việt Nam dường như luôn nằm trong danh sách cần đề phòng khi xuất khẩu. Có lẽ vậy nên giá tôm thương phẩm trồi sụt thất thường. Lẽ ra nước ta có thế mạnh để ngành tôm phát triển bền vững, thì một số người vì hám lợi đã lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm, làm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo ở các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Không dừng lại đó, chuyện con tôm bị bơm tạp chất, bơm nước, chì... trước khi xuất khẩu cũng trở nên nhức nhối của ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Nguồn tôm bẩn ấy lại được tiêu thụ trong nước, sức khỏe của người dân bị đe dọa. Bên cạnh đó, việc nuôi tôm thương phẩm không còn thuận lợi như xưa khi dịch bệnh tràn lan, người thu mua thì ép giá. Những vùng chuyên canh nuôi tôm ở Bình Thuận cũng đang trên đà thu hẹp bởi những cái khó không biết kêu ai.
Không riêng gì con tôm, nhắc đến thịt heo, người tiêu dùng trong nước cũng phải lo ngại khi “heo bẩn” tràn lan thị trường. Trong năm vừa qua, những hộ nuôi heo nhỏ lẻ đã sống dở, chết dở vì giá heo thị trường đột ngột tụt dốc không phanh, tới mức khó ai tưởng tượng giá heo thịt lại rẻ kỳ lạ như thế. Vùng nuôi heo số lượng lớn như Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh… thời gian trước Tết Đinh Dậu lỗ nặng khi giá heo hơi chỉ còn hơn 40.000 đồng/kg. Những ngày qua giá heo hơi tuy có tăng lên nhưng vẫn không đáng kể. Căn nguyên là do thị trường heo xuất khẩu lâu nay đều phụ thuộc thị trường Trung Quốc, xuất qua đường tiểu ngạch với rất nhiều rủi ro. Vậy mà những thương lái cũng nghĩ ra cách “vỗ béo” con heo bằng... nước trước khi xuất khẩu. Động thái ấy đã không qua mắt được những thương lái Trung Quốc dẫn đến đối tác từ chối mua heo Việt Nam. Vậy là giá heo hơi tự nhiên rơi tự do. Những người nghèo nuôi heo nhỏ lẻ theo truyền thống, không, hoặc rất ít dùng thức ăn công nghiệp, đã kêu trời không thấu khi bị vạ lây. Trong khi giá thịt heo ngoài chợ giảm không đáng kể, thì người nuôi heo coi như... trắng tay. Họ không bơm nước hay tạp chất vào những con heo mình nuôi, nhưng phải gánh hậu quả đau đớn, vì những kẻ lừa đảo khác.
Gần đây nhất là dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, nếu Chính phủ không quyết tâm vào cuộc và nếu Bộ Nông nghiệp & PTNT không sớm đưa ra những giải pháp tích cực, mạnh tay xử lý các đối tượng buôn bán lừa đảo thì thực phẩm bẩn sẽ tiếp tục tràn lan, ngành xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh “Chính phủ sẽ nghiêm khắc xử lý những khâu trung gian, những cá nhân vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng môi trường sản xuất tôm Việt Nam, mất uy tín thương hiệu tôm Việt Nam”. Hy vọng sự chỉ đạo quyết liệt ấy sẽ sớm được thực thi để ngành nông nghiệp – hải sản xuất khẩu Việt Nam vững vàng trên thương trường quốc tế.