Tính đến cuối năm 2017, tổng số khách hàng trên địa bàn tỉnh sử dụng điện nuôi tôm là 7.979 hộ (trong đó sử dụng trạm chuyên dùng là 393 hộ và sử dụng qua trạm công cộng là 7.586 hộ). Tổng diện tích nuôi tôm là 27.288ha. Tổng công suất trạm cung cấp cho các hộ nuôi tôm 178.374kVA (trạm công cộng 136.380kVA, trạm chuyên dùng 41.994kVA). Sản lượng điện tiêu thụ là 118.883.774kWh. Giá bán bình quân cho các hộ nuôi tôm là 1.721 đồng/kWh.
PV: Xin ông cho biết, tình hình đầu tư lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trong thời gian qua như thế nào?
Ông Trần Quyền Dự: Để đáp ứng nhu cầu điện sản xuất cho các hộ dân nuôi tôm công nghiệp tự phát, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực, thời gian qua, Điện lực Bạc Liêu và địa phương đã phối hợp thực hiện đầu tư nhiều dự án. Trong đó, ngành Điện đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh (đã hoàn thành vào tháng 3/2016). Khối lượng công trình gồm đường dây trung áp dài 105,17km; đường dây hạ áp dài 159,11km; dung lượng trạm biến áp 13.412,50kVA/101 trạm. Giá trị đầu tư 77,1 tỷ đồng, diện tích ao nuôi tôm khoảng 3.652,4ha, cấp điện cho khoảng 2.735 hộ nuôi tôm. Địa phương đã thực hiện đầu tư 7 công trình (tính từ năm 2010 đến nay) gồm đường dây trung áp dài 25,66km, đường dây hạ áp 51,70km; dung lượng trạm biến áp 6.435kVA. Giá trị đầu tư hơn 26,63 tỷ đồng, cấp điện cho khoảng 844 hộ dân.
PV: Thưa ông, việc đầu tư lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 sẽ ra sao?
Ông Trần Quyền Dự: Chi phí nâng cấp lưới điện phục vụ nhu cầu nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp trên địa bàn tỉnh (được Công ty Điện lực tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, thống kê) là trên 393,5 tỷ đồng. Tổng danh mục, khối lượng và giá trị dự kiến thực hiện giai đoạn từ năm 2017 - 2020 đường dây trung áp có chiều dài 309,9km; đường dây hạ áp dài 422km; trạm biến áp 51.787kVA/1.056 trạm; số hộ dân được cấp điện là 6.106 hộ; diện tích ao nuôi là 3.751,5ha.
Ngành Điện lực tỉnh đã bố trí nguồn vốn đưa vào đầu tư là 201 tỷ đồng. Trong đó, đang triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2017, lựa chọn nhà thầu xây lắp 3 công trình ước tính mức đầu tư 36 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2018. Có 690 hộ được cấp điện, diện tích ao nuôi là 385,2ha. Bên cạnh đó, cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện phân phối nuôi trồng thủy sản tỉnh (thuộc dự án DEP II) dự kiến là 165 tỷ đồng. Số hộ dân được cấp điện là 2.340 hộ, diện tích ao nuôi là 1.589ha, ước tổng mức đầu tư dự kiến là 165 tỷ đồng.
Danh mục, khối lượng giá trị còn lại chưa có vốn thực hiện giai đoạn 2018 - 2020 là 192,5 tỷ đồng. Vì vậy, Điện lực Bạc Liêu đang trình Tổng Công ty Điện lực miền Nam đưa vào Đề án nhu cầu đầu tư lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020. Đề án này sẽ cấp điện cho trên 3.000 hộ, diện tích ao nuôi là 1.777,30ha.
PV: Xin cảm ơn ông!