Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sinh thái có hiệu quả kinh tế cao, phục hồi và phát triển bền vững môi trường sinh thái rừng ngập mặn ở ấp 4, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu” mà Sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu triển khai thời gian qua được người dân hào hứng đón nhận nhờ giảm thiểu tối đa rủi ro về kinh tế. Mô hình nuôi tôm sinh thái mà các cán bộ kỹ thuật của dự án xây dựng còn giúp khôi phục rừng ngập mặn, hạn chế tác động xấu từ việc nuôi trồng đến môi trường sinh thái.
Đông Hải là huyện vùng ven biển của tỉnh Bạc Liêu, có thế mạnh là thủy sản và rừng. Năm 2015, địa phương tập trung phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với trồng rừng do dự án xây dựng. Với mô hình này, năng suất đạt 700-800kg tôm/ha/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 30-40 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận này thấp hơn so với mô hình quảng canh cải tiến trước đây (khoảng 70 triệu đồng/ha mỗi năm với mức đầu tư tương tự) nhưng lại giảm tối đa mức độ rủi ro. Thống kê cho thấy, trong số hộ nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm - rừng, chỉ 5% gặp rủi ro, thua lỗ; 95% còn lại sản xuất có lãi. Nguyên nhân là ngoài lợi nhuận từ tôm, nông dân còn tranh thủ được nhiều nguồn lợi khác từ biển như cua giống, cá kèo giống và thu nhiều loại thủy sản có giá trị khác dưới tán rừng.
Sau một thời gian triển khai, đến nay địa phương đã trồng rừng trong 32ha đất của ao nuôi thủy sản (70% là trồng dọc theo bờ ao với khoảng cách 3-5m, 30% trồng đước tại vùng trảng của ao nuôi tôm), kết hợp nuôi cua biển (chất lượng cua giống sạch bệnh cho hiệu quả kinh tế cao) và thả tôm sú giống (năng suất trung bình 350 kg/hộ mỗi vụ nuôi 3-5 tháng, trọng lượng 25-40 con/kg).
Mô hình này được huyện Đông Hải cho nhân rộng do phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, hiệu quả kinh tế cao và bền vững, bảo vệ được môi trường sinh thái.
Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã có trên 30.000ha tôm nuôi sinh thái theo mô hình lúa - tôm, tôm - rừng tại các huyện Hồng Dân, Phước Long và Đông Hải. Các mô hình này cho thu nhập 80-100 triệu đồng/ha mỗi năm, phá thế độc canh con tôm, khai thác tiềm năng đất trồng lúa bị nhiễm phèn mặn của từng địa phương. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu, các cán bộ và 200 hộ nông dân trên địa bàn đã được tập huấn về kỹ thuật trồng rừng ngập mặn trong ao nuôi tôm và nuôi thủy sản kết hợp trồng rừng ngập mặn.