Nhập khẩu giá rẻ
Hiện nay, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt trên dưới 600 ngàn ha, trong đó vùng ĐBSCL chiếm khoảng 500 ngàn ha. Theo tính toán, nhu cầu tôm giống hàng năm cần 130 tỷ con (post), tức nhu cầu số lượng tôm bố mẹ vào khoảng 250 - 300 ngàn con.
Năm 2013, Việt Nam có 5 doanh nghiệp nhập khẩu tôm giống bố mẹ, đứng đầu là Cty Việt Úc, CP Thái Lan, Thông Thuận, Uni-President VN và Thiên Phú, đến nay đã có hàng loạt DN khác cạnh tranh quyết liệt như Trần Hậu Điển, Nam Miền Trung, Trường Thịnh, Tuấn Cự, Hưng Phú, Đại Nam, Việt Đức (Bình Thuận); Phước Thắng, Mỹ Việt, Bảy Tươi, Tuấn Hà (Ninh Thuận); An Tài (Long An); Kim Sa (Bạc Liêu)...
Ba thị trường nhập khẩu tôm bố mẹ được biết nhiều nhất là Hawaii (Mỹ), Thái Lan và Singapore. Riêng tại Thái Lan, năm 2015 có đến 4 Cty xuất khẩu tôm thẻ chân trắng (TTCT) bố mẹ vào VN là Cty CP Merchandising; Aquaculture Promotion; SyAqua và Cty Aromnat Co.,Ltd.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tôm bố mẹ NK vào Việt Nam tuy “nhỏ nhưng có võ”, mỗi con size 40 gr (25 con/kg) giá từ 45 - 60 USD/con (xấp xỉ từ 1 - 1,3 triệu đồng/con), tức khoảng 2,5 triệu đồng/cặp. So với 3 năm về trước, giá NK không tăng. Sau khi tôm bố mẹ nhập về sẽ được DN đưa về các trại, bể nuôi “vỗ béo” thuần thục để SX tôm giống.
Theo dự báo, năm nay nguồn cung tôm bố mẹ thiếu hụt nghiêm trọng do phía Trung Quốc phát triển mạnh nghề nuôi TTCT nên nguồn NK từ các thị trường truyền thống như Hawaii, Thái Lan, Singapore chỉ đáp ứng khoảng 60%, còn lại 40% là các DN NK từ các nguồn trôi nổi, trong đó đã và đang “rộ” lên là thị trường Trung Quốc với giá tôm bố mẹ dao động có 10 - 30 USD/con (size 40 gr/con), tức một cặp bố mẹ cao nhất là 1,2 triệu đồng.
Biên bản kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm tôm bố mẹ của cơ quan Thú y vùng 6 cho một DN ở tỉnh Ninh Thuận .
Ông Đào Công Minh ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cho biết, vụ tôm đầu năm 2016, có một vài nhân viên tiếp thị của Cty T.Đ ở Khánh Hòa đến tận ao tôm của ông chào mời giống TTCT có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc. Vì nuôi theo mô hình bán thâm canh (mật độ thả 60 con/m2), ông Minh quyết định mua 10 vạn con post giá 45 đồng/con, thế nhưng trong quá trình nuôi nhận thấy tôm chậm lớn, sau gần 3 tháng mà cân 90 - 95 con/kg coi như thất bại, sau đó ông cạch luôn.
“Sau này, tôi biết có nhiều DN cũng mua tôm bố mẹ Trung Quốc về cho sinh sản, nhưng lúc bán xuống cho dân thì bảo là giống của Mỹ hoặc CP, nghe chỉ biết vậy chứ phân biệt bằng mắt thường là hoàn toàn không thể”, ông Minh nói.
SX tôm post: Lôm côm
Hiện nay, tình hình nuôi tôm trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, số lượng các trại tôm post của các DN trên cả nước tính đến tháng 5/2016 giảm 9 cơ sở so với năm 2015, nhưng nhìn chung vẫn còn cao, đến 1.240 DN, riêng 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa chiếm hơn 60%. Trong số đó, có bao nhiêu DN NK tôm bố mẹ trôi nổi từ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc chắc chắn không ai biết được.
Kiểm tra chất lượng tôm post (chủ yếu xem tình trạng “sức khỏe” đóng trong bao ni lông ngay tại ao tôm.
SX tôm post là ngành có điều kiện, yêu cầu rất cao về chất lượng NK tôm giống bố mẹ, kỹ thuật chăm sóc tôm post trước khi bán cho nông dân.
Thế nhưng, hiện có nhiều DN sau khi được cấp phép lại không đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu về năng lực, kỹ thuật, quy chuẩn trại giống, khiến chất lượng tôm post đầu ra không đảm bảo do không coi trọng, kiểm soát chất lượng tôm giống bố mẹ ngay từ đầu vào.
Thế nên, có trường hợp một số DN đi mua naupli của các DN lớn về thuần dưỡng thành tôm post hoặc trộn với tôm post không rõ nguồn gốc rồi đóng bao bì gắn nhãn mác của DN với các tên rất “kêu” như V.K, H.H (ở Vũng Tàu), D.L (Bình Thuận) đem bán tôm post giá cực thấp chỉ có 40 - 45 đồng/con. Trong khi các DN NK tôm bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng thì bán giá 90 - 120 đồng/con.
Đặc biệt, hiện nay có khá nhiều trại tôm giống nhỏ lẻ mọc khắp các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn hàng ngàn hecta như Tiền Giang, Long An, Bến Tre...
Ngoài việc làm đại lý cho các DN ở các tỉnh miền Trung cung cấp tôm post trực tiếp cho người nuôi, họ còn “tranh thủ” đi thu mua tôm post trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, sau đó về trộn chung với tôm post của DN khác để bán thu lợi bất chính.
Biên bản hủy “Lô tôm bố mẹ hết thời hạn sinh sản” được NK từ Thái Lan của Cty Tuấn Hà sau 4 tháng nuôi do Chi cục thủy sản tỉnh Ninh Thuận lập ngày 30/5/2016.
Thế nên, điều nghịch lý, trong khi các DN NK nói trên đầu tư các dự án SX tôm post với chi phí hàng chục tỷ đồng nên không thể làm ẩu, làm dối, luôn tuân thủ các tiêu chuẩn, qui định về nhập khẩu tôm giống bố mẹ cũng như các điều kiện nghiêm ngặt trong tổ chức SX con giống nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu, thì các cơ sở SX giống của nhiều DN “mi-ni” chỉ với số vốn lưu động vài trăm triệu đồng đang mọc lên lại không tuân thủ những quy định về điều kiện SX KD, giống không được kiểm tra, xét nghiệm bệnh dịch trước khi cho sinh sản và xuất trại.
Nhất là, tình trạng sử dụng giống bố mẹ đưa vào SX không đạt tiêu chuẩn, khai thác giống bố mẹ vượt quá thời gian quy định hiện xảy ra khá phổ biến (qui định tôm bố mẹ chỉ được sinh sản trong vòng 3 tháng - PV).
Giám đốc một DN có thương hiệu về SX tôm post ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bức xúc cho biết: “Trong khi các trại lớn uy tín nhập khẩu tôm bố mẹ có chất lượng cao từ Hawaii, Thái Lan về Việt Nam, cơ quan kiểm dịch Trung ương lẫn địa phương kiểm tra rất gắt gao, định kỳ sau 3 - 5 tháng là họ đến tận trại lập biên bản tiêu hủy.
Trái lại, nhiều DN nhỏ lẻ nhờ đi “cửa sau” nên họ vẫn tiếp tục duy trì “ép” tôm bố mẹ sinh sản tôm post 6 tháng, 9 tháng, thậm chí 1 năm. Khi cơ quan chức năng đến lập biên bản tiêu hủy, họ bảo tôm chết nhưng thật ra đã chuyển đi nuôi ở nơi khác. Cuối cùng DN làm ăn đàng hoàng chịu thiệt”.
+ Theo một cán bộ kiểm dịch của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, do nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu từ Trung Quốc hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ ngay từ cửa khẩu, giá lại rẻ khiến nguồn tôm post bán cho người nuôi dễ nhiễm bệnh, đây có thể coi là một trong nhiều nguyên nhân khiến người nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh vì chất lượng con giống kém.
+ Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) trong báo cáo đầu tháng 7 đã thừa nhận, từ đầu năm 2016 đến nay, việc cung cấp TTCT bố mẹ của Cty CP (Thái Lan) cho các DN trong nước có phần hạn chế; chất lượng tôm bố mẹ chưa ổn định.
Theo phản ánh của các cơ sở nhập khẩu tôm bố mẹ, nhiều lô có chất lượng khác nhau, việc nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn chậm, mặc dù đầu tư hỗ trợ của nhà nước nhưng các chương trình, dự án tôm bố mẹ chưa được như mong muốn, các nước trên thế giới hiện nay đa số chọn tạo tôm bố mẹ theo hướng sạch bệnh và tăng trưởng, chưa chú trọng đến kháng bệnh…