Rầm rộ nuôi tôm trên cát
Năm 2008, dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam được thực hiện, phần lớn diện tích ven biển được quy hoạch ưu tiên phát triển các khu resort, khu đô thị. Trong khi đó, diện tích nuôi trồng thủy sản, vốn là thế mạnh của vùng ven biển, lại không được chú trọng đưa vào quy hoạch.
Vì vậy, trong thời gian dự án được triển khai thực hiện, tại vùng ven biển huyện Thăng Bình (Quảng Nam), người dân bắt đầu rầm rộ đào cát, phủ bạt rồi bơm nước biển vào nuôi tôm thẻ chân trắng một cách tự phát. Mặc dù nuôi tự phát nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Cho nên chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm hộ dân nơi đây tận dụng từng mét vuông trong vườn nhà để nuôi tôm trên cát.
Đến năm 2009, trước hiệu quả kinh tế khá lớn, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng nuôi tôm trên cát tạm thời với diện tích 131ha trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2011. Đến nay, do hiệu quả kinh tế cao nên dù quyết định quy hoạch vùng nuôi tôm trên cát tạm thời đã hết hiệu lực nhưng chính quyền tiếp tục gia hạn quy hoạch vùng nuôi tôm.
Ông Lê Văn Ba (trú Khối 1, thị trấn Núi Thành, Quảng Nam) cho biết do ở Núi Thành không có đất làm hồ, ông ra xã Bình Hải huyện Thăng Bình thuê 9 hồ tổng diện tích 2ha với giá 200 triệu đồng/năm để nuôi tôm trên cát. Mỗi năm nuôi được 4 vụ, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 45 tấn tôm, mỗi ký tôm hiện nay có giá từ 150.000 - 175.000 đồng nên mỗi vụ thu được 7,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, nhân công cho 100 người, với 2ha nuôi tôm ông lời khoảng 3 tỷ đồng/vụ.
“Nuôi tôm trên cát mang lại lợi nhuận rất lớn, có thể là con vật giúp người dân thoát nghèo, nhưng người nuôi tôm hiện vẫn gặp khó khăn vì vốn đầu tư lớn, diện tích nuôi tôm không ổn định do phải đi thuê nên rất bấp bênh. Nếu có diện tích nuôi tôm ổn định, người dân chúng tôi có thể làm giàu từ con tôm” - ông Lê Văn Ba chia sẻ.
“Thấy đất bỏ hoang mà thèm”
Chỉ tay về phía 2 khu resort bỏ hoang gần 10 năm nay, anh Lê Văn Ba tiếc rẻ: “Mấy năm rồi nuôi tôm trúng tiền tỷ! Muốn mở rộng diện tích nuôi trồng nhưng không có đất. Hàng ngày, tôi đứng bên hồ tôm nhìn qua khu đất bỏ hoang bên kia mà thèm… chảy “nước miếng”. Cả trăm hécta đất đó chỉ cần cho dân tôi 1/10 để nuôi tôm trong vòng 3 năm là tôi trở thành tỷ phú liền. Nếu như thế, dân không những thoát nghèo mà còn làm giàu, nhà nước thu được thuế, còn hơn mấy cái resort hàng chục hécta mà không thu được một đồng nào tiền thuế trong nhiều năm nay. Đất ngon rứa mà họ bỏ hoang cả 8 năm trời, trong khi người dân lại không có đất để nuôi tôm. Quá lãng phí!”.
Ông Nguyễn Văn Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thăng Bình, cho biết: Hiện nghề nuôi tôm trên cát ở Thăng Bình rất phát triển và thu lợi lớn nhờ đầu tư nuôi trồng với kỹ thuật bài bản. Tuy nhiên, do diện tích nhỏ, chưa có quy hoạch chiến lược nên phát triển lẻ tẻ và còn mang tính chụp giật. Nếu muốn phát triển được con tôm trên cát thì phải có quy hoạch và quản lý bài bản.
Từ giữa năm 2013, thấy nghề nuôi tôm trên cát ở Thăng Bình “trúng lớn” khi tôm vừa được mùa lại được giá liên tục, hàng trăm hộ dân tại xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) cũng rầm rộ đào ao trong vườn nhà để nuôi tôm trên cát nên diện tích nuôi tôm tự phát tăng lên… không kiểm soát được.
Ông Võ Văn Năm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết: Qua khảo sát sơ bộ, hiện nay diện tích nuôi tôm trên cát ở 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành khoảng 310ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha/vụ, mỗi năm nuôi được 4 vụ.
Nói về hiệu quả của nuôi tôm trên cát, ông Võ Văn Năm cho biết, vừa qua ông cùng đoàn đi kiểm tra tại xã Tam Tiến (huyện Núi Thành), có một hộ gia đình đào ao trong vườn nhà chỉ với diện tích 616m2 nhưng lãi ròng 200 triệu đồng/vụ. Trước hiệu quả của việc nuôi tôm trên cát cũng như việc phát triển diện tích nuôi tôm trên cát một cách tự phát, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở NN-PTNT tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tạm thời từ nay đến năm 2016. Hiện việc quy hoạch đang được thực hiện.
Nếu quy hoạch được duyệt, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, kéo lưới điện quốc gia về khu vực quy hoạch nuôi tôm, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo không ô nhiễm môi trường… Có cơ sở hạ tầng bài bản, người dân chỉ việc đến thuê đất nuôi tôm, nộp thuế cho nhà nước mà không phải bỏ ra số tiền lớn để đầu tư. Như vậy vừa đảm bảo quyền lợi của người dân vừa không bỏ hoang phí đất đai nhiều tiềm năng.
Hàng trăm hécta quy hoạch để làm các khu resort nhưng nhiều năm qua chẳng thu lợi được đồng nào, trong khi người dân tận dụng từng mét vuông trong vườn nhà lại kiếm lợi hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm. Đó là một nghịch lý lớn trên bản đồ quy hoạch vệt ven biển Quảng Nam mà các nhà hoạch định chiến lược cần phải “suy nghĩ lại”.
Quảng Nam có thể quy hoạch 5.000 - 10.000ha diện tích nuôi tôm
Trao đổi với PV SGGP, ông Võ Văn Năm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, cho biết: Việc quy hoạch các khu resort ven biển từ Duy Xuyên đến Thăng Bình rồi bỏ hoang nhiều năm qua là rất lãng phí. Vì vậy, thời gian tới, đối với những dự án không triển khai thực hiện như đã cam kết thì tỉnh Quảng Nam sẽ thu hồi. Trong thời gian chờ kêu gọi đầu tư mới, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam sẽ nghiên cứu tận dụng làm hồ nuôi tôm trên cát trên số diện tích này nhưng với điều kiện phải đảm bảo diện tích đất đó không có rừng dương liễu. Khi có nhà đầu tư mới, việc nuôi tôm phải ngưng lại để trả đất lại cho dự án. Có như thế mới tránh được lãng phí từ việc bỏ hoang đất ven biển như lâu nay.
Ông Võ Văn Năm cho biết thêm, hiện nay quỹ đất ven biển Quảng Nam còn rất lớn, có thể quy hoạch từ 5.000 - 10.000ha hồ tôm. Với diện tích đó sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho người dân, cho tỉnh Quảng Nam cũng như ngành thủy sản.