Năm 2016, ông Tiến được Viện Nuôi trồng thuỷ sản cử kỹ sư đến hướng dẫn ứng dụng công nghệ mới vào việc chăn nuôi tôm càng xanh. Theo đó, ông Tiến phải tuân thủ nghiêm ngặt việc chọn con giống sạch, chất lượng; thực hiện đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào, sử dụng vi khuẩn có lợi cạnh tranh với vi khuẩn có hại; ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thương phẩm bảo đảm an toàn chất lượng.
Ứng dụng công nghệ mới vào nuôi tôm càng xanh
Sau khi tiếp nhận công nghệ mới, ông Tiến thả 200.000 con tôm càng xanh giống trên diện tích 1 ha ao. Sau 6 tháng thả nuôi, ông bán tôm được 350 triệu đồng. Trừ toàn bộ chi chí, ông còn lãi được 150 triệu đồng. Hiện nay, ông đang thả tiếp lứa tôm mới và sắp sửa thu hoạch, hứa hẹn cho gia đình ông Tiến một vụ tôm bội thu.
Ông Tiến kể: “Phương pháp này chỉ sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực, được lựa chọn từ các cơ sở cung cấp giống có uy tín, bảo đảm chất lượng. Ðây là một bước đột phá lớn trong chăn nuôi tôm. Sau khi thả được 60 đến 75 ngày, người nuôi tiến hành bẻ càng, giúp cho tôm sinh trưởng mạnh, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, hạn chế ăn lẫn nhau.
Tuy nhiên, việc bẻ càng cho tôm phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật để tránh hao hụt. Vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể nhằm tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên. Phương pháp này giúp tôm lớn nhanh, tăng kích cỡ, đẹp về màu sắc, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Năm 2017 này, Hội Nông dân xã Lộc Ninh sẽ triển khai, nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh theo công nghệ mới cho nhiều hộ chăn nuôi tôm khác.