Trung tâm Thủy sản Bình Phước (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Quốc gia giống Nam bộ (trực thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2) tham gia xét chọn. Thạc sĩ Nguyễn Tấn Phước, Trung tâm Thủy sản Bình Phước, làm chủ nhiệm đề tài với mục đích bảo tồn hai loài cá chạch lấu và cá lăng vàng trên địa bàn tỉnh.
Tham gia phản biện, tiến sĩ Đinh Thế Nhân, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Cần thay đổi tên đề tài cho phù hợp với nội dung chỉ bảo tồn hai loại cá lăng vàng và cá chạch lấu. Hiện hai loài cá này đã được nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công ở Việt Nam. Loại cá chạch lấu hiện còn phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những loài cá có phân bố đặc trưng trên phạm vi nhiều tỉnh nên cần chứng minh được Bình Phước có lợi thế gì khi chọn để bảo tồn. Hai loại cá này có điểm gì thích hợp với điều kiện ở Bình Phước. Cần nêu rõ tính cấp thiết của đề tài với tỉnh Bình Phước.
Các thành viên hội đồng đánh giá, điểm mạnh của đề tài là đề xuất theo hướng chọn giống, chủng loại thủy sản với nội dung và phương pháp thực hiện khá hợp lý. Đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp có nhiều kinh nghiệm cũng như cơ sở vật chất để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra. Trên địa bàn tỉnh, hai loài cá này đang có nguy cơ tuyệt chủng và cần thiết bảo vệ nên cần điều chỉnh đối với tính cấp thiết của đề tài.
Kết quả đề tài được hội đồng đánh giá đạt 71,2/100 điểm, đủ điều kiện để thực hiện.