Các bên cùng tham gia nghiên cứu, giới thiệu công nghệ và chuyển giao tri thức về tái chế hướng đến bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và phát triển kinh tế biển bền vững.
Ngoài rác thải nhựa sinh hoạt thì rác thải từ ngư cụ khai thác thủy sản cũng góp phần tác động đến hệ sinh thái biển. Trong quá trình đánh bắt, ngành thuỷ sản sử dụng các vật liệu bằng nhựa như: Tấm lưới, dây thừng, dây cước, phao, lưới kéo và mồi nhử; Các thiết bị an toàn: trong áo phao, vòng cứu sinh, bè cứu sinh…
Theo ghi nhận, tổng trọng lượng lưới, dây thừng và vật liệu nhựa dùng để bảo dưỡng, sửa chữa ngư cụ hàng năm cho toàn ngành nghề cá biển Việt Nam là rất lớn khoảng 46.562 tấn.
Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng 13 quy chuẩn kỹ thuật và sổ tay kỹ thuật cho các loại ngư cụ chính, trong đó có thông số kỹ thuật về nhựa sử dụng trong thiết kế và sản xuất ngư cụ. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn vẫn mang tính tùy chọn và không bắt buộc đối với ngư dân. Chính vì vậy, việc sử dụng nhựa trong khai thác thủy sản, chưa được kiểm soát tại các ngư trường nên việc xuất hiện rác thải nhựa đại dương tại vùng biển Việt Nam, đang có xu hướng tăng dần theo các năm.
Rác thải nhựa sinh hoạt và rác thải từ ngư cụ khai thác thủy sản góp phần tác động đến hệ sinh thái biển
Viện Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Tái chế của Trường Đại học Khoa học Ứng dụng (KHUD) Ostfalia là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu về kỹ thuật nhựa và tái chế vật liệu composite phức tạp, với hệ thống nhà máy thí điểm và phòng thí nghiệm hiện đại trải rộng trên diện tích 1000m2. Dự án REVFIN là một sáng kiến nghiên cứu và phát triển mới, nhằm giải quyết vấn đề rác thải ngư cụ ở các vùng ven biển Việt Nam.
Trường Đại học Nha Trang là một trong những đối tác chiến lược của dự án, tham gia vào quá trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và chuyển giao tri thức tái chế. Dự án hướng đến bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và phát triển kinh tế biển bền vững cho Việt Nam. Việc hợp tác với Trường Đại học KHUD Ostfalia và các đối tác quốc tế trong dự án REVFIN không chỉ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Nha Trang mà còn mở ra nhiều cơ hội chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tái chế, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngoài ra, Trường ĐH Kiên Giang, Trường ĐH Hạ Long là 2 đơn vị đối tác thành viên của dự án.
Dự án tập trung giải quyết vấn đề lưới thải ngư cụ ở các vùng biển của Việt Nam nhằm giảm lượng lưới đánh cá không được sử dụng đến, bị mất hoặc bị loại bỏ, nâng cao nhận thức để tránh tổn thất ngư cụ cho các doanh nghiệp/ngư dân và cơ quan quản lý nghề cá cũng như toàn xã hội Việt Nam nói chung. Dự án hướng đến giảm tác động môi trường và tạo ra thị trường cho nguyên liệu thô tái chế từ các nguồn này nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín.
Bên cạnh đó, tại các trường đại học thành viên của dự án REVFIN (Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Hạ Long, Trường ĐH Kiên Giang), các hoạt động nâng cao năng lực cho giảng viên và sinh viên sẽ được chú trọng thực hiện. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng thiết kế chương trình giảng dạy hiện đại, định hướng môi trường; thu hút sự quan tâm và tạo ra một nơi để các doanh nghiệp từ ngành nhựa Việt Nam với khoảng 2.000 doanh nghiệp có thể nhận được sự giúp đỡ để phát triển vật liệu tái chế và sản phẩm mới. Cơ hội này sẽ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam để giảm rác thải ra biển. Cùng với đó, các khóa học tích hợp với truyền thông khoa học trong khuôn khổ dự án cũng sẽ là cơ hội để các trường đại học thực hiện tốt sứ mệnh lan tỏa kiến thức và sự đổi mới đến xã hội.
Đến nay, dự án REVFIN đã hoàn thành khảo sát ngư dân tại các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang và các doanh nghiệp tàu cá trên cả nước, qua đó thiết lập hệ thống dữ liệu về rác thải ngư cụ ở các vùng ven biển. Dự án cũng đã thu gom mẫu các loại lưới và ngư cụ thải ra để các nhà khoa học phân tích và tìm kiếm giải pháp tái chế. Dự kiến, các giải pháp này sẽ được giới thiệu tại các trung tâm trình diễn tái chế được lắp đặt tại các trường đại học đối tác ở Việt Nam gồm Đại học Nha Trang, Đại học Kiên Giang và Đại học Hạ Long.
Song song đó, dự án còn hướng đến giáo dục cộng đồng qua các khóa tập huấn về bảo vệ môi trường biển, tái chế rác thải nhựa và phát triển kinh tế tuần hoàn. Các chương trình này sẽ được triển khai đến sinh viên, học sinh và cộng đồng ngư dân ở các địa phương.
Trong khuôn khổ dự án, phía Đức sẽ đào tạo 16 nhà khoa học Việt Nam về nghiên cứu tái chế và hỗ trợ 28 sinh viên Việt Nam tham gia khóa học trao đổi về kỹ thuật tái chế và truyền thông tại Đại học Ostfalia.