Ngày 12-1, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết UBND tỉnh này có công văn về việc không chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển đối với chủ tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy đinh (IUU).
Việc ngưng cấp phép cũng được áp dụng đối với các trường hợp tàu cá hoạt động nghề lưới kéo các loại (kéo đơn, đôi, cào điệp, cào nhám, giã cào bay) và tàu vi phạm hoạt động các nghề, ngư cụ thuộc danh mục cấm sử dụng khai thác thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cũng theo quy định này, các tàu cá đóng mới tại Bình Thuận phải có chiều dài từ 15 mét trở lên, vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới, tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Riêng tàu cá đóng mới thay thế phải có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên.
Tỉnh Bình Thuận khuyến khích tàu cá đóng mới phải có công suất lớn, hiện đại.
Tỉnh Bình Thuận được xác định là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước, với chiều dài bờ biển lên đến 192 km, ngư trường rộng 52.000 km2. Hải sản hàng năm đạt bình quân 200 – 220 ngàn tấn. Riêng trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng sản lượng hải sản của tỉnh vẫn đạt hơn 225 ngàn tấn, tăng 1,8% so với năm 2020.
Những năm trước đây, tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương vi phạm lãnh hải nước ngoài khi đánh bắt xảy ra khá thường xuyên. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của ngư dân về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), từ tháng 7-2019 đến nay, Bình Thuận không còn ghi nhận trường hợp tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài. Bên cạnh đó, lượng tàu hành nghề mang tính tận diệt như giã cào đôi, cào nhám…cũng giảm dần.