Một cuộc chia tay không ngậm ngùi, chẳng luyến thương, nuối tiếc được dự báo trước do nôn nóng làm giàu, thiếu quy hoạch, dẫn đến vòng luẩn quẩn bỏ lúa nuôi tôm, san vuông tôm trồng lúa.
Lận đận vì tôm
Ông Huỳnh Lài Hiếu - Trưởng ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú - xác nhận: "Hiện tại có đến 27ha ao tôm được người dân thuê máy ủi san bằng để trồng lúa. Toàn ấp có 31 hộ xin chuyển đổi 45ha từ đất nuôi tôm sang trồng lúa, do nhiều năm nay tôm nuôi liên tiếp thất bại".
Chuyện trồng rồi chặt, chặt rồi trồng tưởng chỉ gặp ở những người làm vườn, không ngờ ngay cả đối với vùng đất mặn, ngọt đan xen như Liêu Tú cũng xảy ra. Ông Lâm Tấn Bữu (tên thường gọi là Chênh), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Liêu Tú, là người chuyển đổi từ tôm sang lúa nhiều nhất ấp, đang bỏ ra 200 triệu đồng san bằng toàn bộ 7ha đất sản xuất với hơn 10 ao tôm để kịp gieo đúng vụ hè thu năm 2012.
Ông không khỏi chua xót: "Tôi nuôi tôm đã hơn 10 năm nay, có năm trúng mùa thu trên 3 tỉ đồng, nhưng tỉ lệ thất nhiều hơn trúng. Cấn trừ tất cả mang nợ đến trên 1 tỉ đồng vì tôm. Làm lúa không lãi nhiều, nhưng chắc ăn hơn". Ông phân tích: "Đất nuôi tôm đã nhiễm mặn nên mấy năm đầu trồng lúa huề là được, từ năm thứ 4 trở đi sẽ trồng 2 vụ/năm. Mỗi hécta lãi 30 triệu đồng thôi cũng lấy vốn được rồi. Bây giờ chẳng kinh doanh ngành nghề nào mà 4 năm thu hồi vốn, rồi sau đó lãi mãi được. Suy đi tính lại, tôi quyết định ủi ao làm lúa".
Gần đó, gia đình ông Vương Văn Thọ, sau 10 năm nuôi 5ha tôm sú, 3 đứa cháu rời quê đi lao động tại Bình Dương, 1 đứa con phải chạy xe ôm kiếm sống. Ông luyến tiếc: "Phải chi trồng lúa luôn từ trước tới giờ cuộc sống ít khó khăn hơn. Làm ruộng bây giờ không khổ cực như hồi làm lúa mùa cách đây 20 năm. Tất cả đều có máy móc hết. Kỹ thuật làm lúa dễ hơn nuôi tôm mấy chục lần".
Lần đầu tiên người dân ĐBSCL toan tính thiệt hơn trên chính mảnh đất của mình. Họ đã rút ra bài học "chậm mà chắc" sau khi đã lận đận vì con tôm sú suốt hơn 10 năm.
Gỡ khó cho dân
Ngay sau khi người dân ủi ao tôm đầu tiên để trồng lúa, ông Huỳnh Lài Hiếu nhận thức đây là chuyện không nhỏ: "Toàn bộ đều là diện tích nuôi theo mô hình công nghiệp trong quy hoạch, nay chuyển sang trồng lúa là trái với quy hoạch làm sao tôi dám quyết". Sự việc được báo lên xã Liêu Tú.
Chủ tịch UBND xã Liêu Tú Trần Hàng Cheng nhớ lại: "Chính tôi xuống khảo sát, động viên bà con nuôi tôm nhưng hết cách, bởi họ không còn khả năng nuôi tôm sú nữa phần vì hết vốn, và quan trọng hơn là không còn yêu thương con tôm nữa. Một khi người dân không còn yêu thương sản phẩm mình làm ra thì dù có vận động cách nào họ sản xuất cũng không thành công".
Nhận được biên bản họp dân của UBND xã Liêu Tú kèm theo lá đơn có 31 chữ ký với lời lẽ thống thiết xin trồng lúa, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề Lâm Văn Bé trực tiếp xuống hiện trường khảo sát và gặp gỡ các hộ dân. Sau nhiều chuyến đi thực tế tìm hiểu, ông Lâm Văn Bé làm văn bản đề nghị Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng xem xét trình UBND tỉnh Sóc Trăng cho chuyển đổi 45,8ha đất nuôi tôm sang trồng lúa. Sở NNPTNT tiếp tục thành lập đoàn xuống kiểm tra và thống nhất trình UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét giải quyết.
Ông Hồ Quang Cua - Phó giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng - cho biết: "Nguyện vọng của người dân là chính đáng. Không thể ép người dân nuôi tôm trong khi họ đã hết khả năng và không còn thiết tha nữa. Tuy nhiên, ngay cả Sở NNPTNT cũng không có đủ thẩm quyền để quyết định chuyện lớn như thế này".
Một thời người nông dân bỏ lúa nuôi tôm sú do nôn nóng làm giàu. Sau hơn 10 năm họ lại quay sang trồng lúa. Không ai nỡ để người dân rơi vào khó khăn, túng quẫn. Đáng buồn là chuyện chuyển đổi này đã được cảnh báo trước, nhưng dường như chưa được các nhà quản lý quan tâm.