Rất ít chủ lồng đủ kiên nhẫn chích thuốc cho từng tôm hùm bệnh - ảnh B.C
Nhưng, trớ trêu thay, đến thời điểm này, người nuôi vẫn “tự bơi” theo con vật nuôi, không ai biết làm thế nào để “ngoi lên”, thoát khỏi đại dịch “tôm sữa” và “mở rộng” cánh cửa thị trường cho tôm hùm trở thành hàng hóa xuất khẩu chính ngạch. Trong khi đó, các nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về tôm hùm của nước ta phải “xuất ngoại” làm chuyên gia hoặc hợp tác nghiên cứu phục vụ dự án nuôi tôm hùm của nước ngoài!
Tự phát và tự bơi
Hơn 20 năm tự mình làm nên thương hiệu tôm hùm Việt Nam, chưa bao giờ người dân “làng tôm hùm” khốn khổ như bây giờ. Nhưng phòng bệnh, chữa bệnh cho con vật nuôi không phải câu chuyện “bơi” theo phong trào!
Cá nuôi tôm
Quí hiếm, bổ dưỡng và giá trị kinh tế cao, tôm hùm được thị trường “tấn phong” là vua của các loài hải sản. Nhu cầu tôm hùm trên thế giới rất lớn, nhưng con tôm hùm chỉ cư trú ở một số nơi thuộc vùng biển Australia, Đài Loan, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, miền Trung Việt Nam... Nhiều năm qua, ngoài việc khai thác trong tự nhiên, một số quốc gia đã nghiên cứu nuôi tôm hùm nhằm duy trì, phát triển nguồn lợi. Ở nước ta, đầu thập niên thứ 9 của thế kỷ trước, người dân làng biển Xuân Tự (thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) tình cờ phát hiện tôm hùm giống rồi tự mày mò ương nuôi, sau đó nhanh chóng lan truyền.
Ông Võ Hữu Chương, người được “làng tôm hùm” Xuân Tự tôn là “tiền hiền” bởi đã có công khai sinh và nuôi dưỡng nghề nuôi tôm hùm, kể: “Hồi đó, tui bắt được khoảng vài chục con tôm hùm chỉ bằng đầu đũa, thấy hay hay, bươi cát, lót bạt nhựa, dẫn nước biển vào nuôi thử. Hàng ngày, lượm cá nhỏ, băm nát thả xuống “ao” tôm, đi biển về nhìn bầy tôm tranh nhau ăn cá, vui quá chừng. Khoảng 7- 8 tháng sau, con tôm hùm lớn bằng cái khui rựa, có người hỏi mua với giá cao, thấy lạ, vớt bán, kiếm được mấy trăm ngàn đồng, mừng hơn được mùa. Từ đó tui để ý tìm kiếm tôm giống, ương vài tháng trong ao, rồi đan lồng tre thả tôm xuống biển. Thấy tui nuôi tôm hùm có lợi hơn nuôi heo, bà con lối xóm bắt chước làm theo. Năm 1992, Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 (nay là Viện NCNTTS 3) công bố kết quả nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm hùm thương phẩm, khá đông ngư dân Phú Yên, Ninh Thuận tìm đến Xuân Tự học hỏi kinh nghiệm, “bỗng dưng” thành... phong trào!”
20 năm trôi qua, kinh nghiệm “cá nuôi tôm” của “tiền hiền” Võ Hữu Chương không chỉ là bài học “vỡ lòng” cho những người mới vào nghề mà đã trở thành “nguyên lý” chế biến thức ăn cho tôm hùm. 100% hộ nuôi tôm hùm lồng đều sử dụng các loại cá tươi làm thức ăn, tùy theo độ tuổi của tôm mà giã nhuyễn hay băm nhỏ nhiều kích cỡ để “chiều” theo thói quen đớp mồi của con vật nuôi.
Cách làm này hoàn toàn trùng hợp với bài giảng của các nhà khoa học, rằng tôm hùm rất thích thức ăn tươi là những loài cá nhỏ hoặc giáp xác và nhuyễn thể. Nhưng hầu hết người nuôi tôm hùm không biết và cũng không quan tâm cách thức cho tôm ăn như thế là hợp lý. Tất thảy chủ lồng gắn bó với nghề này từ lúc mới sơ khai đến bây giờ vẫn nuôi tôm bằng kinh nghiệm. “Tiền hiền” Võ Hữu Chương giải thích: “Việc phân chia thức ăn cho tôm tùy theo thói quen và khả năng tài chính của từng gia đình. Không ai cân thức ăn, nhưng người nào cũng cho tôm ăn dư thừa vì mong tôm chóng lớn và nghĩ rằng nếu đói, tôm có thể ăn thịt lẫn nhau trong khi lột xác” .
Th.s Nguyễn Cơ Thạch – Viện NCNTTS 3, hiện chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng qui trình công nghệ nuôi tôm hùm bông trong hệ thống bể đạt năng suất trên 5kg/m2, nhận xét: “Nghề nuôi tôm hùm tự phát hình thành, người nuôi “tự thân vận động”, thường thì để thu được 1 tấn tôm hùm thương phẩm, chủ lồng tôm đổ xuống biển khoảng 30 tấn thức ăn tươi. Rất lãng phí, bởi lượng thức ăn thật sự cần chỉ bằng khoảng 10% trọng lượng tôm thả nuôi. Hàng vạn tấn thức ăn tồn dư chất chồng dưới đáy, chưa kể chất thải sinh hoạt, phân tôm và xác tôm bệnh chết... vứt xuống biển, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh theo đó bùng phát”.
Khốn khổ!
Trong số 4 loài tôm là đối tượng nuôi trồng thủy sản phổ biến ở nước ta, chỉ có tôm hùm phụ thuộc hoàn toàn nguồn giống trôi nổi tự nhiên và cũng chỉ người nuôi tôm hùm phải “tự bơi” từ A đến Z. Trứng nở, ấu trùng trải qua 16 lần lột xác trong vòng 9-11 tháng mới tượng hình tôm con. Con tôm giống sống ở đáy, tập trung trong vùng rạn hẹp hoặc kẽ đá, những người chuyên “săn” tôm hùm giống lặn ngụp nhiều giờ mới bắt được vài chục con.
Tôm hùm giống bé xíu như que diêm đã có giá khoảng 100.000 đồng, đó là chưa kể hàng trăm triệu đồng đầu tư lồng, bè, thuê mặt nước, nhân công... Để có được lứa tôm cân nặng 1-1,5 kg/con, người nuôi phải chăm bẵm suốt 18-20 tháng, bất kể mưa hay nắng, chủ lồng bơi theo con nước, mong lấy công làm lãi, nếu tỉ lệ hao hụt dưới 30% thì tỉ suất lợi nhuận đạt khoảng 15-20%, trường hợp tôm dính bệnh sữa coi như trắng tay.
Những năm gần đây, giá tôm thương phẩm tăng cao, phong trào nuôi tôm hùm lồng tiếp tục phát triển nóng, nguồn giống khai thác tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều vùng nuôi đã sử dụng tôm giống khai thác ở các địa phương khác hoặc nhập khẩu từ Philippines, Indonesia, Sri Lanka..., nhưng bà con vẫn chủ quan, ỷ lại kinh nghiệm, không kiểm tra chất lượng, vận chuyển và không thuần hóa trước khi nuôi thả. Cũng do phát triển nóng và thiếu qui hoạch, hầu hết chủ lồng tự lựa chọn địa điểm nuôi tôm và bố trí mật độ nuôi quá dày (gấp 3-4 lần qui định) nhằm khai thác tối đa diện tích mặt nước. Vì vậy, khi tôm bị bệnh, tốc độ lây lan rất nhanh và mức độ thiệt hại rất cao.
Các nhà khoa học nhận định, dịch bệnh sữa thường gặp ở tôm hùm đã đến chu kỳ (5 năm) tái phát, gây thiệt hại trầm trọng hơn. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y tập trung xác định tác nhân và nguyên nhân gây bệnh, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm chỉ đạo xử lý dịch bệnh ở những vùng nuôi tôm hùm trọng điểm. Công tác điều tra dịch tễ vốn dĩ hết sức khó khăn và triển khai rất chậm. 100% xã, phường không có cán bộ phụ trách thú y thủy sản, 100% chủ lồng tôm không được hướng dẫn lập hồ sơ quản lý dịch bệnh, môi trường, phòng trị bệnh... Hệ lụy kéo theo là các địa phương không thể thống kê chính xác thiệt hại của người nuôi tôm hùm và đề xuất chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất.