Môi trường nuôi suy kiệt
“Năm nay là năm thứ 3 tôi không dám thả tôm nữa bởi càng nuôi càng lỗ do tôm chết không rõ nguyên nhân và không có cách phòng trị…”, ông Ngô Văn Thử, ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre) chạnh lòng khi thấy con tôm ngày càng “trở chứng”. Ông Thử kể: Những xã ven biển ở tỉnh Bến Tre thường có 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn; vì vậy canh tác lúa không hiệu quả - mỗi công chỉ được hơn chục giạ, chẳng đáng là bao. Những năm 2000, thực hiện việc chuyển đổi sản xuất đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm đã tạo bước đột phá lớn cho người dân xứ biển. Thời điểm đó, đất mới, nguồn nước tốt, môi trường trong lành… nên nuôi tôm trúng đậm. Chỉ vài năm “làm tôm” đã biến cư dân Thạnh Phước từ khó khăn trở nên khá giả, số hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm tăng chóng mặt.
Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Do áp lực thu nhập từ con tôm cao gấp nhiều lần so với những cây - con khác, nên nhiều nơi dù không có quy hoạch nuôi tôm nhưng người dân vẫn tự ý đào ao để thả tôm. Thậm chí những vùng ngọt hóa (thuộc dự án cống đập Ba Lai), người dân vẫn ngang nhiên khoan giếng tìm cách đưa nước mặn vào nuôi tôm. Việc nuôi tôm bùng nổ trong điều kiện cơ sở hạ tầng không theo kịp đã dẫn đến hệ lụy là dịch bệnh làm tôm chết tràn lan, thiệt hại vô kể. Ông Ngô Văn Hùng (em ruột ông Thử, cùng ngụ xã Thạnh Phước), chua chát: “Gia đình tôi ngày trước phất lên nhờ tôm, nhưng gần đây thua liên tục. Anh Ba Thử khuyên tôi tạm ngừng nuôi bởi môi trường bây giờ ô nhiễm quá, nhưng đã “mê” con tôm nên bỏ chưa được. Năm 2015, tôi nuôi 3 công tôm chia làm 2 vụ; kết quả lỗ hơn 60 triệu đồng”.
Cũng vươn lên từ con tôm, nhưng sau mấy vụ “trắng tay”, nông dân Lê Văn Sang, ngụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu “mèo lại hoàn mèo”. Gặp chúng tôi trên cánh đồng tôm vào những ngày cuối năm 2015, anh Sang bộc bạch: “Vùng này hồi xưa làm lúa, muối… nhưng mần hoài cũng hổng khá. Lúc chuyển sang nuôi tôm thì mấy năm đầu trúng lắm, nhưng sau đó tôm cứ chết hoài dù nông dân trị đủ cách vẫn không hiệu quả. Thú thật, bây giờ đang tiến thoái lưỡng nan, tiếp tục nuôi thì sợ dịch bệnh, còn không nuôi cũng chẳng biết làm gì bởi đất đai đã nhiễm mặn”. Cùng trăn trở trên, ông Huỳnh Phước Hải, ở xã Bình Trị, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), băn khoăn: “Chỉ cần nhìn mắt thường cũng nhận thấy môi trường nuôi ô nhiễm. Cứ thử hình dung cùng một con kênh mà hàng loạt hộ nuôi tranh nhau lấy nước vào ao, rồi khi tôm có bệnh vẫn “vô tư” thải nước bẩn ra bên ngoài, khiến mầm bệnh phát tán. Môi trường nuôi xuống cấp như vậy, không thua mới lạ”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, khi phát triển diện tích nuôi tôm lên 220.000ha, tỉnh đã quy hoạch 23 tiểu vùng để đầu tư hệ thống thủy lợi với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, mỗi năm hệ thống này chỉ được đầu tư khoảng 80 tỷ đồng, nên hơn chục năm qua hệ thống thủy lợi cứ giẫm chân tại chỗ. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh… tình hình cũng tương tự. Không chỉ thủy lợi, mà nguồn điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp cũng thiếu, nhiều nơi nông dân phải sử dụng máy dầu vừa tốn kém vừa không hiệu quả.
Báo động tôm nhiễm kháng sinh
“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn, ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, cho rằng: “Cũng vì môi trường quá ô nhiễm nên không ít hộ nuôi đã sử dụng kháng sinh phòng ngừa. Đây là vấn đề hai mặt, bởi khi lạm dụng kháng sinh sẽ làm tăng chi phí giá thành nuôi và tôm bị lây nhiễm; nguồn tôm nguyên liệu không còn sạch nên rất đáng lo”. Nhìn nhận việc này, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) nói: “Qua khảo sát cho thấy môi trường nuôi tôm bây giờ rất tệ; sông ngòi, kênh rạch đều ô nhiễm. Thử hỏi trong điều kiện nuôi như vậy, cộng với gia tăng nạn dùng kháng sinh thì làm sao nhà máy chế biến không “dính” nguồn tôm bẩn”.
Theo thống kê của các ngành chức năng, từ năm 2014 đến nay đã có khoảng 32.000 tấn thủy sản (chủ yếu là tôm) của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước bị trả về do nhiễm kháng sinh. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, có 582 lô hàng thủy sản bị 38 nước trả về và nhiều nước cảnh báo sẽ siết chặt việc kiểm tra các lô hàng tôm của Việt Nam; trong đó, Nhật Bản áp dụng chế độ nghiêm ngặt và có thể ngưng nhập khẩu tôm nếu không khống chế được dư lượng kháng sinh. Cơ quan chức năng Australia cũng lên tiếng cảnh báo và có thể ngừng nhập khẩu tôm bất cứ lúc nào nếu dư lượng kháng sinh tiếp tục bị phát hiện (!?). “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn đặt vấn đề: “Kháng sinh bây giờ đủ loại, đủ kiểu được bày bán tràn lan; bên cạnh đó, nếu nói tôm nguyên liệu bị nhiễm kháng sinh nhưng tại sao các nhà máy vẫn thu mua, điều này vô tình làm cho người nuôi thờ ơ, thiếu ý thức đề phòng, thậm chí vô tư sử dụng…”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám lưu ý, việc nhiễm kháng sinh đã đến mức báo động và phải có biện pháp chấn chỉnh ngay để tránh ảnh hưởng uy tín ngành xuất khẩu tôm Việt Nam trên trường quốc tế. Bộ NN-PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y các tỉnh… tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm những ai buôn bán kháng sinh cấm; lập danh sách những doanh nghiệp có lô hàng bị nước ngoài trả về để tăng cường kiểm tra. Bộ sẽ có cơ chế thưởng cho các tổ chức, cá nhân… phát hiện, cung cấp thông tin về đường dây buôn lậu và kinh doanh chất cấm.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, ủng hộ việc siết chặt quản lý chất kháng sinh cấm trong nuôi tôm và cả với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc mạnh mẽ, đẩy mạnh tuyên truyền để người nuôi hiểu; các doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách làm từ việc “mua đứt bán đoạn” như lâu nay sang liên kết với người nuôi để xây dựng vùng nguyên liệu. Trên cơ sở đó, có biện pháp kiểm soát chặt đầu vào từ con giống, thời vụ nuôi, thức ăn, thuốc… đến đầu ra thu mua, chế biến và xuất khẩu. Có như vậy thì con tôm mới “sạch” được.
Theo ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng thư ký Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau, một trong những nguyên nhân khiến con tôm Việt Nam kém tính cạnh tranh còn do giá thành cao hơn nhiều nước khác. Qua điều tra cho thấy, giá tôm giống khoảng 100 đồng/con, chiếm khoảng 14% giá thành. Giá này khó giảm, bởi nếu giảm sẽ đồng nghĩa giảm chất lượng; đối với giá vật tư nông nghiệp chiếm trên 60% giá thành sản xuất, đây là yếu tố quyết định sự tăng giảm giá thành sản phẩm.
Qua khảo sát thực tế chuỗi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, chi phí dịch vụ tại khâu trung gian (kinh doanh, phân phối) còn khá cao như thức ăn cao khoảng 10%, các loại vật tư khác cao từ 20% - 30% so với giá gốc của nhà sản xuất. Đối với nhân công lao động, chi phí cải tạo ao đầm, điện, nhiên liệu… chiếm hơn 25% giá thành. Trong khi đó, ở Ấn Độ giá thức ăn thấp hơn 30%, giá con giống thấp hơn 50% so với Việt Nam và tỷ lệ nuôi thành công của Ấn Độ đạt 70%. Vì thế, giá tôm của Ấn Độ đang thấp hơn giá tôm Việt Nam 1-3 USD/kg (tương ứng với 10% - 30%). “Để giảm giá thành con tôm, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng khâu giảm giá thức ăn vì nó chiếm tỷ trọng lớn nhất về chi phí giá thành”- ông Lĩnh đề xuất.