Bữa ngon nhớ đời bên rớ chàm
Có lẽ rớ chàm là cách đánh bắt thô sơ cuối cùng còn lại trên sông Nhật Lệ và một số vùng khác của Quảng Bình. Người làm rớ chàm cất chòi trên mỏm sông với bốn cột táu thẩy từ rừng về, mỗi cột dài từ 15 – 30m, đóng cố định xuống sông, trên đó cất chòi nhỏ, gọi là chà và. Cái rớ dệt rộng cả trăm mét vuông, rớ được cố định bẳng bốn chiếc cọc cũng làm từ táu bền chắc, neo dưới đáy sông, để cố định bốn chiếc cọc rớ là các dây thừng bắt chéo. Muốn kéo rớ lên, phải kết nối rớ với chòi bằng sợi thừng chắc chắn, trên chòi có trục đạp thu dây thừng kéo rớ từ đáy sông lên. Ông Lại Văn Thạnh (72 tuổi) sống bên kia Bảo Ninh (Đồng Hới) nói: “Rớ chàm ngày xưa ở sông Nhật Lệ dày đặc, tồn tại mấy trăm cái. Nó có từ thời tổ tiên của chúng tôi, mấy trăm năm thì chưa ai biết, nhưng khi chưa vươn ra biển khơi thì rớ chàm là cách để dân chúng tôi mưu sinh quanh năm từ đông sang hè. Cái ăn, cái mặc, con cái học hành, có tiền góp vào hội làng hay để đi xa cũng từ đồng tiền thu được của cái rớ chàm này”.
Khúc sông Nhật Lệ này giờ chỉ khoảng 50 chiếc rớ nằm rải rác cả hai phía bờ, chúng lặng lẽ giữa cuộc sống hiện đại của thế kỷ 21. Ông Thạnh mời tôi về chòi rớ chàm của ông chơi, ông nói, “Đãi bữa ăn mà chú không nhớ đời là tui không mời”. Chòi rớ của ông nằm ở ngã ba sông, trước mặt là sông Nhật Lệ, bên kia có con nước nhập vô là sông Luỹ kéo từ đông Trường Sơn về. Ông chọn chỗ ngã ba con sông để đón lõng những mẻ cá mùa mưa. Rớ ông thả xuống chừng 45 phút cất lên một lần. Mẻ cá mùa thu mỗi đợt kéo đến 4kg cá trích ve. Theo những nhà ngư loại học nghiên cứu, cá trích ve có lượng đạm gấp sáu lần thịt bò trong mỗi cân đồng đều. Con cá nhỏ như cá lia thia trưởng thành, ánh lên màu bạc, còn nhảy đùm đụp trong mẻ, không cần rửa qua nước, ông Thạnh cho vào nồi nước sôi sục trên chòi rớ, chưa đến ba phút đưa ra, ông mời chúng tôi xì xụp món canh tươi rói đúng nghĩa. Cái mặn mòi đi theo vị ngọt của cá ngào lên đến não, các xúc giác bật hẳn lên, nó cứ thế đi thẳng hồn đến lịm người. Thiệt là bữa ăn nhớ đời!
Những mùa cá vang bóng một thời
Kéo rớ chàm, theo ông Thạnh, chủ yếu nhờ trời, con nước mùa xuân hạ thì ngày kiếm ít cá bán chừng vài ba chục ngàn, đêm kiếm ít tôm lúc vừa chạng vạng kiếm cua sông chắc thịt. Bữa thu đông, vào mùa nước lũ, kéo được nhiều cá trẻng to cả chục ký, có năm may mắn, cha con ông, có đêm cất được cả tạ cá. Ông còn kể, ngày xưa, cứ đến mùa lũ, cả con sông Nhật Lệ như mùa hội của người làm rớ chàm, mẻ nào cất lên cũng thu từ vài chục ký, có khi cả tạ cá.
Nay, phía nguồn hồ đập ngăn bớt, mùa cá bội thu như xưa cũng dần vắng bóng. Đang kể, ông ra cất lại mẻ rớ mới, một đợt cả cá đối, cá cơm, nhảy tanh tách. Ông giải thích, cá cơm mùa thu là lạ, còn bình thường mùa hè, cá cơm vẫn đi từ biển vô, cất nhiều lắm, ăn không xuể, phơi khô, bán rất được tiền, cá cơm vô sông không biết sao người ta ăn lại thích.
Chuyện trò với ông mới biết, ngày xưa, cái rớ chàm là cả gia tài của gia đình, phải vay mượn, thuê thợ mới làm được gia tài lớn này. Bữa nay, rớ chàm như thứ làm thêm, “làm cho đỡ nhớ con nước”.
Với nghề rớ chàm của ông, không chỉ là cái nghề vô danh, trong đời sống tinh thần của người làng cát Trung Bính, nghề ấy còn có vị thờ thần rớ, mâm cỗ khai rớ để tưởng nhớ vị thần ấy trang trọng như cỗ cúng tổ tiên. Khi lên kéo rớ chài trên chòi, còn có những câu hò mặn mòi nhớ thương: “Hò ơ, con vượn trên núi nhớ cây nhớ rừng/Con cá dưới nước nhớ sông nhớ biển/Anh với em thì nhớ thầm thương trộm bên lưới chàm ơi em”...
Kỳ lạ con cá nâu
Với ông Thạnh, con cá nào bắt lên, ông đều hiểu được đặc tính đời sống lứa đôi của chúng hay cách ăn từng loại cá thế nào đúng cách nhất và chúng sẽ xuất hiện thời khắc nào của năm trên con sông này.
Bao câu chuyện ông truyền đạt đều lạ lẫm, thú vị nhất có lẽ loài cá nâu nay đã hiếm trên sông. Con cá trưởng thành như bàn tay, da của nó lốm đốm. Ông Thạnh kể: Thời nó lớn nhất có thể gần mười ký, bắt nó không cẩn thận, những chiếc xương như lưỡi mác trên kỳ và hai vây sẵn sàng trương cứng, đâm thẳng vào người, phát độc tố, gây tử vong nếu không cấp cứu kịp; “Nhưng những con to như thế người ta không bắt, vì không nồi niêu nào có thể nấu nguyên nó được”.
Và ông giải thích rằng, con cá nâu này nếu chặt ra cho vừa nồi thì thịt của nó đắng ngắt, rớ chàm chỉ bắt những con vừa ăn để bán. Đó là kinh nghiệm dân gian mà không thể lý giải vì sao đắng! Cá nâu sống ở vùng biển hoặc cửa sông nước mặn, mùa mưa lũ, nó tìm về ngược ngàn nước ngọt ở xã Trường Sơn, phía thượng nguồn Long Đại để sinh nở.