Vì thế, để bán được cá thầy tu, một số cửa hàng đã cắt bỏ phần đầu chỉ chừa lại phần đuôi của chúng. Nhờ đó, loài cá này dần đến được tay nhiều khách hàng hơn và cũng bắt đầu thu hút hàng triệu tín đồ sành ăn trên thế giới.
Một loài cá khiến người ta kinh hãi
Cá Thầy Tu (tên khoa học Lophius americanus) thuộc Bộ Cá vây chân hay còn được gọi với nhiều tên gọi là cá cóc, cá chày, cá hàm ếch, cá mặt quỷ,....
Loài cá này thoạt đầu được chú ý nhờ ngoại hình xấu xí “có một không hai” và sau đó dần trở nên nổi tiếng khi người ta phát hiện giá trị kinh tế lớn lao của chúng.
Loài cá này có nguồn gốc từ Bắc Đại Tây Dương và thường được đánh bắt từ Canada đến Bắc Carolina, Na Uy đến Địa Trung Hải và dọc theo bờ biển Tây Phi cùng nhiều nơi khác trên thế giới trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Chúng thường được tìm thấy khi đang ngụy trang trong đá và vùi sâu trong cát cách mặt nước biển từ 400 đến 1.000m.
Cá thầy tu là loài ăn thịt, thức ăn của chúng là các loài cá nhỏ, động vật giáp xác và mực. Điều đáng sợ hơn là chúng còn có một cái dạ dày to gần bằng cơ thể.
Khi nhìn vào chúng, người ta thấy ngay thân hình tròn trịa với lớp da nâu đen trơn và không có vảy cùng những gai nhọn, những cục bướu bao phủ khắp thân. Ngoài ra, chúng còn có một cái đầu khổng lồ chiếm phần lớn cơ thể và có một “cần câu” có ngọn sáng trên đỉnh đầu được dùng để dụ mồi và một đôi mắt nhỏ.
Cá thầy tu cũng sở hữu một cái miệng rộng với độ giãn mở tương đương một viên đạn của súng trường cỡ 22 ly cùng hàm răng cưa sắc nhọn và rất khỏe. Nhờ ưu thế này, chúng có thể ăn hay nghiền nát gần như tất cả mọi thứ nhét vừa miệng.
Đằng sau ngoại hình lập dị của cá thầy tu
Trái ngược với ngoại hình gây kinh hãi cho nhiều người, cá thầy tu sở hữu một hương vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao.
Về hình thức bên ngoài, cá thầy tu sở hữu phần thịt ở đuôi có màu trắng muốt như tuyết (hay được ví là phần “tenderloin”- thăn nội của thịt bò).
Cá thầy tu có mặt ở rất nhiều vùng biển trên thế giới
Những người từng thưởng thức món ăn chế biến từ cá thầy tu nhận xét rằng thịt của chúng rất chắc, ngọt, mọng nước, không tanh và có sự tương đồng với đuôi tôm hùm về cả mùi vị và kết cấu. Thậm chí, trong một số trường hợp giá của chúng còn cao hơn tôm hùm và các loại hải sản quý khác.
Mặc dù nổi tiếng với phần thịt đuôi, nhưng má và gan của cá thầy tu còn có thể dùng để có thể chế biến được một số món ăn khác.
Xét về giá trị dinh dưỡng, cá thầy tu chứa rất ít calo, chất béo, giàu vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, dưỡng chất trong cá đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất insulin nhân tạo có khả năng chống tiểu đường, cải thiện phòng chống ung thư ở người.
Với những giá trị trên lại cộng thêm việc đánh bắt khó khăn (chủ yếu là đánh bắt ở các vây lưới kéo đáy xa bờ) và số lượng ngày càng khan hiếm, giá trị kinh tế của cá thầy tu ngày càng được khẳng định. Đặc biệt là ở những nước châu Âu, cá thầy tu được ví như một nguyên liệu quý giá chỉ thường được phục vụ trong các nhà hàng sang trọng.
Do bị đánh bắt nhiều ở các vùng biển trên thế giới; hiện nay, loài cá này đang phải đối diện với nguy cơ bị khai thác đến dần cạn kiệt. Nhiều nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo rằng, dù thịt của cá thầy tu mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng như thế nhưng chúng cũng chứa hàm lượng thuỷ ngân khá cao. Vì vậy, chúng ta cũng không nên hấp thụ thường xuyên cá thầy tu mà nên tham khảo một số loại thủy hải sản có giá trị dinh dưỡng tương đương khác.