Theo tín ngưỡng cổ truyền của người Việt, 23 tháng Chạp, ngày Tết ông Công ông Táo là một trong những ngày Tết trọng trong năm. Ngày này, Táo quân cưỡi cá chép chầu trời báo cáo với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của gia đình dưới hạ giới trong năm qua.
Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều làm lễ để tiễn ông Táo về trời. Làm cơm cúng, đốt vàng mã, nhiều gia đình thường cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả để hóa rồng (vượt vũ môn), làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.
Để phục vụ cho Tết ông Táo năm nay, ngay từ đầu tháng 9, Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phổ đã ươm giống cá chép để phục vụ cho bà con ngày tiễn ông Táo về trời. Trại vừa thả lưới thu hoạch 6.000 con cá chép Nhật đỏ và cá chép thường giống, kích cỡ từ 6-7cm để bán phóng sinh.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng- Trại trưởng Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phổ cho biết: Những ngày qua, Trại đã xuất bán hơn 2.000 con cá chép giống. Để có giống chép đỏ đẹp, khỏe, ngay từ mùa thu hằng năm, Trại bắt đầu cho cá mẹ đẻ trứng. Để kích thích trứng nở, người nuôi phải chiếu thêm ánh sáng. Mật độ nuôi cá trong ao cũng luôn duy trì dày từ 300 con đến 500 con/m2.
Để đảm bảo cá không bị ngạt, chết, trước khi chuyển cá đi xa, những ngày qua, công nhân của Trại đã tiến hành đánh bắt cá và nuôi ép trong lưới vây, hồ nhỏ để cá thích nghi mới môi trường chật, tăng sức dẻo dai.
Giá cả năm nay cũng như các năm trước, cá chép thường cỡ 6-7cm bán giá 800 đồng/con, cùng kích cỡ, cá chép Nhật có giá 3.000 đồng/con. Nhiều gia đình thích thả hẳn cá chép to, loại 50.000 đồng/con. Cũng không ít gia đình chọn loại cá nuôi hơn 2 năm, đuôi to, vây dài, cỡ này có giá 300.000 đồng/con.
Những con cá này có giá khoảng 300.000 đồng/con.
Cá chép Nhật được nhiều người chọn mua vì chúng có hình dáng đẹp và màu đỏ bắt mắt. Màu đỏ mang ý nghĩa tâm linh được coi là biểu tượng của sự giàu có và thành công.
Theo anh Nguyễn Hữu Hoàng, cùng với ý nghĩa tâm linh, việc thả cá chép còn có một ý nghĩa khác là tái tạo nguồn lợi thủy sản, vì thế khuyến khích bà con nên chọn mua cá chép thường vì loại này khả năng sinh sản và thích nghi với môi trường tốt nhất trong các loại cá nước lợ. Còn cá chép Nhật khả năng thích nghi kém hơn, chỉ nên nuôi trong bể kính kết hợp với thủy sinh làm kiểng.
Ngày 23 tháng Chạp Táo quân về trời, để chuẩn bị cho cuộc ra đi của vị thần gần gũi nhất với gia đình, các chủ nhà không quên sắm các đồ cúng tế, đặc biệt là đốt hàng mã. Một bộ hàng mã có giá từ 15.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng. Nhiều gia đình khá giả không ngần ngại “sắm” xe máy, ô tô, máy bay… để ông Táo làm phương tiện về chầu trời.
Để có cá bán cho ngày 23 tháng Chạp, các Trại giống cho cá mẹ đẻ trứng từ mùa thu.
“Nhưng phong tục là một chuyện còn câu chuyện trong lúc nguồn lợi thủy sản bị khai thác cạn kiệt như hiện nay thì bỏ ra vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng để đốt vàng mã, số tiền ấy mua được vài chục đến vài trăm con cá thả để tái tạo nguồn lợi thủy sản là việc nên làm hơn”- Anh Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ./.