Cá linh được xem là món quà vô cùng quý giá của tự nhiên ban tặng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong mùa nước nổi và mỗi năm chỉ xuất hiện một lần duy nhất. Những năm gần đây, lũ về vùng này không lớn nên sản lượng cá linh cũng bị sụt giảm rất nhiều so với trước đây.
Bà con nông dân ở huyện biên giới Hồng Ngự cho biết, cá linh thường được khai thác từ đầu mùa lũ đến tháng 10 âm lịch. Vài ngày gần đây, khi lũ bắt đầu về, cá linh non đã xuất hiện trở lại nhưng số lượng rất ít, mỗi người 1 ngày chỉ bắt được vài kg đến chục kg là nhiều. Cá còn rất nhỏ, con lớn nhất cũng chỉ bằng đầu đũa ăn.
Do mới vào đầu mùa lũ nên cá linh non về chưa nhiều, kích cỡ nhỏ. Ảnh: T.L
Hiện ở khu vực biên giới, có rất nhiều người bắt cá linh bằng cách chất chà. Mỗi hộ có từ 1 - 2 đống chà để dẫn dụ cá và vây bắt. Cá linh non sau khi được các hộ bắt lên khỏi mặt nước sẽ được thương lái thu mua tại chỗ, đưa vào thùng nước có trang bị hệ thống tiếp ôxy. Sau đó cá được đưa đến các chợ để bán cho người tiêu dùng.
Người dân huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) sơ chế cá linh.
Do nguồn cá bắt được chưa nhiều nên ai muốn mua phải hẹn trước, với giá trung bình 150.000 đồng/kg. Cũng theo các hộ dân, khi hay tin có cá linh non, một số quán ăn, nhà hàng trên địa bàn huyện Hồng Ngự đã tìm mua và đặt hàng để chế biến thành các món ăn đặc sản, với giá bán từ 250.000 - 300.000 đồng/kg.
Ngoài cá linh, tại chợ cũng bắt đầu bán các loại rau đặc trưng của mùa nước nổi như: Bông súng, bông điên điển, rau muống đồng. Theo dự báo, mùa nước nổi năm nay sẽ về sớm và lớn, hứa hẹn một mùa đánh bắt bội thu cho người dân vùng đầu nguồn lũ.
Cá linh non có thể chế biến thành nhiều món ăn rất thơm ngon như nấu chua với bông điên điển, bông súng; cá linh kho lạt; cá linh kho mắm; cá linh chiên giòn; lẩu cá linh bông điên điển...
Theo bà con, cá linh ngon nhất độ đầu mùa, khi cá mới bằng đầu đũa hoặc chỉ nhỉn hơn ngón tay một chút, thịt rất ngọt và xương mềm. Cá mới vớt lên khỏi nước về chỉ cần rửa sơ, móc mang cá rồi đem nấu ngay.
Với bà con nông dân, những món phổ biến từ cá linh có thể kể đến như chiên giòn hoặc chiên lăn bột + trứng vịt. Cá linh lớn hơn thì chiên suông, hoặc băm nhuyễn làm chả, nấu canh, hoặc “xào chuột” (bời rời) cuốn bánh tráng trắng; kho mặn, hoặc kho vừa ăn; nấu canh chua rau muống hoặc bông súng, bông điên điển… Nhưng tuyệt nhất có lẽ là cá linh kho mắm; làm mắm; ủ nước mắm.
Lẩu cá linh bông điên điển là món ăn phổ biến trong các nhà hàng ở miền Tây. Ảnh: Zing.vn
Còn dân nhậu thì lại tỏ ra rất háo hức đối với món cá linh nhúng giấm, lẩu mắm, kho lạt giằm me, hoặc cá linh nướng cặp gắp tre (cá càng lớn càng thơm, béo)…