Loài cá được mệnh danh là “mỹ nhân ngư” sẽ trông như thế nào?
Cá mặt thỏ được chúng ta gọi với rất nhiều tên gọi khác nhau như cá nóc mú, cá nhím, cá nóc đầu thỏ mặt tròn. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng cá mặt thỏ còn được gọi với một danh xưng khá mỹ miều, đó là mỹ nhân ngư.
Tuy nhiên, loài cá này không có vẻ ngoài xinh đẹp như cái tên người ta đặt cho chúng. Thậm chí, nhiều người còn nhận xét ngoại hình của cá mặt thỏ trông rất kỳ quái. Cá mặt thỏ sở hữu một cái đầu to cùng vài chiếc răng to hơi chìa ra như răng thỏ. Phần lưng cá mặt thỏ có màu xanh lục với nhiều đốm màu nâu hoặc đen. Vùng bụng màu trắng, có dài bạc ở hai bên lườn và cái đuôi có đốm đen giống cá mú.
Cá mặt thỏ có ngoại hình đối nghịch với danh xưng “mỹ nhân ngư”. Ảnh: vietnamnet.vn
Trung bình một con cá mặt thỏ trưởng thành thường có chiều dài phổ biến 40cm và chúng có thể đạt kích thước tối đa khoảng 110cm.
Loài cá này ưa sống ngoài khơi xa, nằm sâu dưới đáy cách mực nước biển từ 40 - 50m tại khắp vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, cá mặt thỏ phân bố chủ yếu ở vùng cửa biển và xuất hiện nhiều ở khu vực đảo Phú Quý, biển Bình Thuận, một số huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Tại sao cá mặt thỏ lại được nhiều người săn đón đến vậy?
Dù không thu hút người khác ở vẻ ngoài xinh đẹp hay độc đáo, nhưng cá mặt thỏ lại là loài cá “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” bởi chúng được nhiều người tìm mua do có chất lượng thịt và chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cá mặt thỏ trở thành một đối tượng thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, da của loài cá này còn có giá thành đắt hơn cả thịt của chúng, tùy thời địa thu mua mà giá có thể lên tới 2000 USD/kg. Được biết, da của cá mặt thỏ là nguyên liệu sản xuất hoạt chất collagen tái tạo mô. Cũng vì lý do này, khi vừa mới bị đánh bắt thì ngư dân đã lột ngay da của chúng để xử lý và bảo quản.
Da của cá mặt thỏ có giá trị rất cao. Ảnh: nongnghiep.vn
Cá mặt thỏ có giá trị kinh tế cao còn xuất phát từ việc đánh bắt được chúng là một điều hết sức khó khăn, ngay cả đối với những ngư dân lành nghề. Vì cá mặt thỏ là rất hung dữ nên khi nhận diện được nguy hiểm, chúng sẽ dùng bộ răng nanh sắc khỏe quẫy và cắn rách lưới đánh cá để tìm đường thoát thân. Do đó, để bắt được một con cá mặt thỏ quý hiếm, nhiều ngư dân phải liên kết với nhau cùng thực hiện.
Ngoài đặc tính đó, cá mặt thỏ còn là loài cá cực kỳ háu ăn, không chỉ ăn các loài động vật thân mềm, động vật giáp xác và cá nhỏ mà chúng còn ăn thịt cả đồng loại của mình.
Hiện nay, cá mặt thỏ được cho là một trong những thực phẩm thuộc hàng đắt đỏ và thường được phục vụ tại những không gian sang trọng như nhà hàng, khách sạn,... Tại đó, khâu sơ chế và chế biến được thực hiện vô cùng kỹ càng bởi cá mặt thỏ chứa độc tính trong hầu hết bộ phận như thịt, da, gan, ruột, mật, trứng, tinh sào. Tuy nhiên, không phải bộ phận nào cũng có hàm lượng chất độc như nhau, cần lưu ý rằng độc tố sẽ thường tập trung nhiều ở trứng và gan. Thịt và da sẽ được sử dụng để làm món ăn nhiều do chúng thường chứa ít độc hơn.
Trên thực tế, một số loại cá nóc vẫn được chế biến thành nhiều món ăn và thậm chí là trở thành những “cực phẩm” ẩm thực. Song, nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức về quá trình sơ chế và xử lý chất độc trong cá nóc nói chung, cá mặt thỏ nói riêng thì chúng ta tuyệt đối không nên tiêu thụ thực phẩm này để giảm thiểu tình trạng ngộ độc hay nghiêm trọng hơn là tử vong nếu sử dụng một hàm lượng lớn độc tố từ chúng.