Toàn tỉnh hiện có 302 ngàn héc-ta nuôi thuỷ sản, trong đó diện tích nuôi tôm 280 ngàn héc-ta. Diện tích ao nuôi tôm công nghiệp đạt 9.473 ha, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 2.251 ha, tăng 29,6% so cùng kỳ. Dù diện tích nuôi khá ổn định và có chiều hướng tăng nhưng sản lượng nuôi thuỷ sản không tăng khi chỉ đạt 171.500 tấn, bằng 47,6% kế hoạch.
Sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn. “Do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, nhất là dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân”, Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thanh Triều nhận định.
Thời tiết diễn biến phức tạp, giá tôm giảm, trong khi giá cả một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng chế biến tôm và kim ngạch xuất khẩu, đời sống người dân. Tính đến nay kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 431,8 triệu USD, bằng 36% kế hoạch. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 416,1 triệu USD, bằng 35,6% kế hoạch.
Nhiều mô hình hiệu quả
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã và đang được nhân rộng, phát triển. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đang chuyển dần từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong ao đất trải bạt sang nuôi trong ao nổi trải bạt, góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.
Anh Võ Văn Đỏ ở ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân) đã có 3 vụ nuôi tôm siêu thâm canh trong ao nổi trải bạt và thành công cả 3 vụ. Ao nuôi được thiết kế hình tròn, khung được làm bằng sắt, phủ bạt, đặt trên mặt đất bằng phẳng. Anh Đỏ cho biết: “Từ khi chuyển từ mô hình nuôi tôm trong ao đất trải bạt sang nuôi tôm trong ao nổi trải bạt lợi nhuận cao hơn nhiều, do chi phí đầu tư thấp, giảm 50% nhân công”.
Do được đặt trên mặt đất bằng phẳng, không phải đào ao, nên đất không bị đào xới, xáo trộn và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nuôi vì có thể xây dựng ao nuôi bất cứ thời điểm nào trong năm. Quy trình, kỹ thuật nuôi tôm trong ao nổi cũng không khác gì so với ao đất. Đặc biệt, ở mỗi ao nuôi đều có lắp hệ thống quan trắc tự động để quản lý môi trường, từ đó chất lượng nước luôn được kiểm soát chặt chẽ. Trước tình hình giá điện, giá vật tư đầu vào tăng như hiện nay, trong khi đó giá tôm nguyên liệu bấp bênh và có chiều hướng sụt giảm thì mô hình nuôi tôm trong ao nổi trải bạt là lựa chọn khá phù hợp cho người nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.
Nghề nuôi cua truyền thống đã xuất hiện ở huyện Phú Tân rất lâu, nhưng nuôi cua trong đầm nuôi tôm công nghiệp thì mới chỉ bắt đầu gần đây, khi có nhiều đầm tôm công nghiệp không còn sử dụng. Hộ anh Hồng Văn Lâu, 32 tuổi (ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, huyện Phú Tân) là một điển hình thành công với mô hình này. Với ao diện tích 1.700m², anh thả nuôi 2.000 cua giống. Hơn 3 tháng, cua đạt trọng lượng từ 300g trở lên, thu hoạch cho lợi nhuận gần 70 triệu đồng. Hơn 3 năm qua, mỗi năm anh Lâu thả nuôi 2 đợt, trung bình mỗi năm lãi hơn 100 triệu đồng.
Mô hình nuôi cua trong đầm tôm công nghiệp bỏ trống đã mang lại hiệu quả cao, giúp người dân có được nguồn thu nhập. Nếu mô hình này được ngành chức năng nghiên cứu và mở rộng, sẽ tạo ra một hướng mới cho người dân phát triển kinh tế ổn định.